Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viết ngắn
Hoa tranh
Thứ bảy: 21:08 ngày 12/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những mái nhà tranh, vách đất của người nghèo nay đã đi vào quá khứ. Những đám tranh còn sót lại trên những mảnh đất ven đường đành già đi, chỉ chờ bung hoa trắng xoá...

Có dịp đi trên hương lộ một huyện phía Nam của tỉnh, tình cờ tôi thấy giữa cánh đồng lúa xanh tốt, có một khoảng đất trắng xoá bởi một loài hoa dại đang nở rộ. Những chùm hoa trắng như bông gòn phất phơ trước gió; có lúc những chùm bông sắp tàn bị thổi rời bay bồng bềnh trong không trung.

Thấy tôi đứng chụp hình, một lão nông dừng xe, hỏi: -Bộ chú em chưa thấy cảnh này bao giờ hả? Có biết bông gì đó không? Bông tranh đó! Năm nào cũng vậy, cứ gần tới tết là nó trổ bông trắng trời, bay tứ tung như vậy đó! Ờ mà chú em có biết cây tranh không? -Dạ biết, có phải cây tranh trước đây người ta dùng để lợp nhà không chú? -Nó đó! Lão nông trả lời ngắn ngủn, rồi cót két đạp xe đi.

Thì ra đây là hoa của cây tranh! Một thứ cây cỏ mọc hoang dã, nhưng đã từng giúp tôi và biết bao nhiêu người khác chống lại mưa nắng, ổn định cuộc sống. Riêng tôi, mái nhà tranh đã gắn bó hơn bốn mươi năm cuộc đời. Vậy mà đến giờ này, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy hoa của nó. Nhìn đám cỏ tranh thi nhau khoe những chùm hoa trắng tinh khôi, tôi chạnh nhớ quá khứ chưa xa lắm của mình.

Tôi được sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, giữa vùng quê nghèo. Cũng như bao đứa trẻ nhà nghèo ở vùng nông thôn, khi vừa mở mắt chào đời, tôi đã nhìn thấy mái nhà lợp tranh. Hồi đó, cả xóm tôi chỉ có vài căn nhà ngói, còn lại hầu hết nhà tranh. Thường thì sau khi ăn tết nguyên đán xong, ba tôi cùng một số người trong xóm rủ nhau lên rừng cắt tranh phơi khô, cột thành bó, rồi mướn xe bò kéo về lợp nhà.

Ðể có những tấm tranh bền chặt, xếp chồng lên nhau trên mái nhà, ba mua trúc về chẻ hom, chẻ lạt. Rồi đêm đến, ba rủ mấy người bà con hàng xóm đến đánh tranh (bện tranh lại thành từng tấm) vần công cho nhau. Ðến lúc lợp nhà, bà con xóm tôi cũng làm vần công với nhau. Không ai phải tốn tiền thuê mướn. Có năm, không có tiền thay mái tranh, mùa mưa đến, để chống dột, ba tìm mo cau về cắt ra chèn khắp mái nhà... Tôi được ba mẹ nuôi khôn lớn, nên người từ căn nhà tranh ấy.

Rời trường sư phạm, tôi được phân công về dạy ở một trường bổ túc nội trú. Trường được cất giữa vùng nông thôn sâu. Khuôn viên trường rất rộng, cách xa nhà dân và không hề có rào giậu gì cả. Cơ sở vật chất của trường có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, có cả hội trường, nhà bếp, nhà ăn và nhà nội trú cho giáo viên, học viên...

Ðiều đáng nhớ nhất là toàn bộ trường lớp đều được lợp bằng tranh và trét vách đất. Mỗi khi mưa to, gió lớn, nhiều chỗ tạt dột. Nhớ lại kỳ nghỉ hè đầu tiên, tôi được ban giám hiệu phân công trực trường cùng một anh đồng nghiệp. Lúc này, tất cả giáo viên, học viên đều về nhà nghỉ hè. Khổ nỗi, anh đồng nghiệp lại bị bệnh đột xuất, không trực cùng tôi được. Vậy là một mình tôi trực trường.

Ðêm đầu hè mưa tuôn, gió giật. Những “cánh én” (một bộ phận của nhà tranh có hình tam giác, che ở hai đầu mái nhà) bị gió tốc đập phành phạch, phành phạch. Lũ ễnh ương tập trung lại vũng nước sau văn phòng, thi nhau rên lên “uềnh oang... uềnh oang” nghe rợn người. Cả đêm, tôi không dám chợp mắt, cứ ngồi đối diện với cây đèn ống khói đốt bằng dầu lửa cho đến sáng...

Mùa hè đi qua, trước khi vào năm học mới, ban giám hiệu lại mua tranh, huy động giáo viên và học viên tập trung vào đánh tranh sửa lại mái trường. Cứ thế, tôi “sống và làm việc” dưới mái trường tranh mưa dột, gió tạt ấy tròn năm năm học.

Rồi tôi lập gia đình riêng. Sau hơn mười năm công tác, với mức lương vô cùng khiêm tốn của thời bao cấp, tôi thắt lưng “siết bụng” và vay mượn thêm tiền người thân mua được một miếng đất nhỏ, trên đó có sẵn căn nhà tranh, vách đất. Nhà đã cũ, mái tranh hư mục, dột nát. Vách đất nhiều chỗ hư sụp, mối đùn thành ụ lớn. Không có tiền thay mái tranh mới, cứ đầu mùa mưa, tôi lại mua một tấm tăng lớn trùm lên mái tranh...

Cứ như vậy hết năm này qua năm khác. Hai đứa con của tôi cũng ra đời dưới mái tranh mưa dột, gió tạt ấy... Có lần, một cán bộ lãnh đạo tỉnh tình cờ đi ngang qua nhà tôi, thấy căn nhà tệ quá, ông “quở” một câu rất chân tình: “Nhà con nghèo quá vậy! Ráng lên con!”. Nay ông đã qua đời, nhưng tôi nhớ mãi lời động viên của ông. Nhờ có lời động viên đó, vợ chồng tôi cố gắng làm việc, ra sức cần kiệm.

Vài năm sau, vay mượn thêm tiền, tôi làm được căn nhà tường gạch nho nhỏ. Hôm dọn vào nhà mới, hai đứa con mừng quá, nằm trên nền gạch lăn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Nhìn hai đứa trẻ thơ mừng nhà mới, tôi ứa nước mắt. Ngoài bốn mươi tuổi, tôi không còn phải lo chạy vạy thay mái tranh, hay mua tăng che chắn mỗi khi trời vần vũ mây đen, sấm động vang rền báo hiệu mùa mưa đến.

Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhiều người xây được nhà tường thay nhà tranh vách đất. Những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo không có điều kiện làm nhà, được Nhà nước quan tâm xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Những mái nhà tranh, vách đất của người nghèo nay đã đi vào quá khứ. Những đám tranh còn sót lại trên những mảnh đất ven đường đành già đi, chỉ chờ bung hoa trắng xoá...

T.L

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục