Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðá lớn đến 4-5m2, màu xám lạnh rêu phong điểm mấy vệt hoe vàng phong hoá. Chung quanh đó, cũng tràn hoa. Trong đó có bông bụt, mai, địa lan và cả một cây lớn sum suê, buông xuống nhiều chùm hoa như những chuỗi ngọc màu cam rực rỡ. Vậy là trên đá đã bừng hoa nhiều sắc đỏ, vàng.
Trong chuyến đi đầu tìm Gò Đá, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tôi gặp bác Trương Văn Đức- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, cũng là cư dân ấp Gò Đá. Nghe nói tìm hiểu về miếu Ông Tà, bác lục tìm ngay cho một văn bản mang tên: “Sự tích Mỏ Công, Gò Đá, tập tục cúng ông Tà”, do một nhóm nghiên cứu của UBND xã sưu tầm, ghi chép. Xong, bác còn chỉ đường đến ấp Gò Đá.
Thì ra nó nằm ngay trên con đường bê tông nhựa nối liền quốc lộ 22B và đường 785. Nghe nói con đường mới này là do công ty mía có nhà máy đường Bourbon (cũ), nay là Thành Thành Công làm nên để phục vụ cho phát triển ngành mía đường.
Thế là bà con Gò Đá, Mỏ Công hưởng lợi. Nơi có gò đá với miếu Ông Tà cách đường 22B tới hơn 2km, trước kia chỉ là đường đất khấp khểnh trâu đi. Thì nay đã có đường bê tông nhựa láng lẩy chạy xuyên qua, xe cộ chạy mượt mà êm thuận.
Từ đây lại có các con đường “xương cá” cũng trải nhựa đường sạch sẽ phong quang rẽ vào các xóm xa. Một trong những con đường ấy là rẽ vào xóm miếu Ông Tà, được coi là tâm điểm của cái gò mang tên Đá.
Đá hình rùa tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên.
Tài liệu của xã cho biết, gò có diện tích 70 ha. Thế nhưng, phần đá nhô lên mặt đất chỉ có ở khu vực miếu Ông Tà, trên diện tích khoảng vài công (1.000m2) đất. Kết hợp với các câu chuyện của các hộ sống trên gò, cho thấy ở các nhà chung quanh chỉ đào 1-2m là thấy đá.
Vậy có thể suy đoán, đây cũng là một quả núi đang giữa thời kỳ “tạo sơn” thì ngưng lại. Và phần đá nổi chính là ngọn núi. Không phải kiểu đá tảng lớn xếp dựng lô xô như trên đỉnh núi Bà Đen, đá ở Gò Đá chỉ nhô nhấp trong một khu vườn bằng phẳng thuộc quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Thanh Liêm.
Đó đây trong vườn nhô lên những mảng đá lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, nhưng tất cả vẫn như được gắn liền với tầng đá gốc. Tảng nhô cao nhất chính là nơi ngày xưa từng có hình dạng cái đầu chim công, đang ghếch mỏ hướng về phía núi Bà Đen.
Những năm chiến tranh cục bộ (1965-1968), công binh quân đội Mỹ đã dùng mìn đánh bứt đi cả cái đầu chim công. Nhưng, phần còn lại với bộ đuôi xoè rộng ra phía sau vẫn còn lớn và cao, khoảng 1,5m trên mặt đất. Nơi có đầu công, nay đã được dân ấp xây lên ngôi miễu nhỏ thờ Bà (Địa mẫu và Quán Thế Âm Bồ tát).
Nhưng khối đuôi còn nở rộng, làm bệ đỡ vững chắc cho ngôi miếu Ông Tà phía trước. Thật kỳ diệu là ngay bên cạnh cái đầu chim công ấy, còn có một cây mai lớn với thân cành tán lá đẹp như một cây mai kiểng. Giữa mùa thu, lá hoe vàng nên lại tưởng nở đầy hoa.
Trước sân miếu, lại có một tảng đá lớn nằm xoài ra như thể một con rùa. Đá lớn đến 4-5m2, màu xám lạnh rêu phong điểm mấy vệt hoe vàng phong hoá. Chung quanh đó, cũng tràn hoa. Trong đó có bông bụt, mai, địa lan và cả một cây lớn sum suê, buông xuống nhiều chùm hoa như những chuỗi ngọc màu cam rực rỡ. Vậy là trên đá đã bừng hoa nhiều sắc đỏ, vàng.
Trong khu vườn mãng cầu liền với sân, cũng còn một khối đá có đặc điểm riêng rõ nét. Loại đá này giống với loại mang tên cổ thạch có bán ở cửa hàng đá non bộ cầu Thái Hoà (TP. Tây Ninh). Đây là khối đá kết lại từ nhiều lớp, với các đường vân như sóng lượn.
Có thể là là kết quả bồi lắng làm nên các lớp sa thạch trong lòng suối cạn. Bây giờ đá thanh thản nằm như một chú bò vàng trong bóng mãng cầu xanh. Nhìn bao quát đã thấy đỉnh gò đá như một ốc đảo xanh, lấp lánh hoa trên đá.
Tôi lại nhớ câu chuyện của ông chủ nhà trên đỉnh gò. Là ông Nguyễn Thanh Liêm, người đã gắn bó với đất này suốt 45 năm. Từ tuổi 20, ông Liêm đã lên đây lập nghiệp, khi đất này còn hoang vu chỉ mọc rặt một loài cỏ Mỹ.
Năm mới lên (1976), đêm nằm còn thấy lửa xanh lửa đỏ vùn vụt bay lên. Mà nay ông đã tuổi 65. Ông kể, dân Gò Đá trước đây khổ sở, phải bỏ đi “tứ tán” làm ăn. Mới khoảng 10 năm nay, sau khi có con đường nối 22B với 785, dân ấp mới quy tụ về, rồi làm ăn thắng lợi. Cũng chỉ loanh quanh với việc cấy trồng các loại cây như lúa, mía, mì…
Tuy chưa giàu nhưng các hộ đã lần hồi khá lên. Mà để lập vườn, làm nương rẫy tươi xanh trên vùng gò đá là không dễ, cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, gần như là “vắt đá ra mà lấy nước”. Ông kể chuyện đào được cái giếng giữa đỉnh gò mà đượm màu thần bí. Vì trước ông, chưa ai đào được giếng có nước, chỉ đào xuống 1-2m là… gặp đá.
Ông bèn thắp nhang khấn vái ông Tà, xin một phần đất làm giếng nước. Khấn nguyện rồi, linh tính sao đó đưa ông lại ngay vị trí giếng bây giờ. Cả nhóm hì hục đào tới 8m sâu mà không gặp tảng đá nào. Duy nhất nơi đáy giếng, có một viên đá bằng bàn tay, ông đem lên rửa sạch bày lên ban thờ ông Tà làm kỷ niệm.
Cái giếng ấy nay vẫn còn, lúc nào cũng nước trong veo mát ngọt sâu 5-7m nước. Sau này, nhiều nhà tuy có giếng khoan sâu tới năm, bảy chục mét, mà vẫn không có giếng nào sánh được với cái giếng đào ở vườn ông, nơi có miếu Ông Tà.
Theo lời mời của ông Liêm, ngày 12.10 âm lịch (26.11.2020), tôi lên dự cúng miễu Ông Tà. Vẫn thấy khu vườn óng ả xanh, ngời những màu hoa. Trên bàn thờ được lau sạch bóng, có thêm những lọ hoa tươi cùng đĩa trái quýt vàng. Từ 9 giờ sáng, đã lục tục có người đến cúng. Ai cũng đem theo một túi, bịch cầm tay.
Những món đầu tiên được dỡ ra, bày biện, lạ thay lại là hột vịt lộn, kèm theo cả rau răm và muối. Có cả rượu được rót vào chai hay một chiếc bình trà. Sau là đến các bà. Phẩm vật cúng các bà dâng lên thịnh soạn hơn thấy rõ. Đấy là nguyên một bộ đầu heo luộc và vài con gà luộc.
Có cả những đĩa cá lóc nướng còn đen nhẻm và chén muối ớt dầm. Tôi đã từng thấy những phẩm vật cúng đơn sơ nhưng nồng hậu này ở đâu ta! À, thì ra trong lễ cúng miếu thổ chủ ở khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh. Và, cả trong một vài lễ cúng ở Trảng Bàng với ý nghĩa tạ ơn người phù hộ thời khai hoang mở đất.
Bạn viết Trần Thanh Tuấn ở Trà Vinh mới đây có bài viết về miếu Ông Tà (Báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh ngày 7.1.2021). Bạn kể: “Bà ngoại tôi nói ông Tà hết sức bình dân trong việc thờ cúng, không đòi hỏi cầu kỳ và tốn kém, không cần đền đài nguy nga tráng lệ, miễn sao có chỗ đi về…
Đồ ăn có gì cúng nấy, nghèo thì nải chuối, ba vắt xôi, giàu thì gà, vịt, đầu heo, bình rượu đế. Ông Tà khoái uống rượu đế! Nhớ cúng vái ông Tà phải để ý, đồ ăn thức uống khi cúng ông, người cúng phải nếm trước một miếng ông mới nhận…”.
Vậy thì giống hệt ông Tà ở Gò Đá Tây Ninh quê ta, chỉ khác ở chi tiết cuối cùng: nếm trước. Ở đây tôi không thấy vậy. Người ta trân trọng bày biện lên, thắp nhang cúng vái. Gần trưa, nhang khói đã ngớt người ta mới hạ mâm xuống để hưởng lộc “của ông Tà”.
Cuộc vui này ở gò Đá thường kéo dài từ trưa tới chiều tối, cùng những tiết mục văn nghệ đờn ca đủ loại. Kể thêm một chút. Rằng miếu Ông Tà là loại hình tín ngưỡng dân gian, đến nay vẫn còn thấy nhiều nhất trên khắp đất Tây Ninh.
Đến bất cứ cơ sở tín ngưỡng nào, ta cũng có thể gặp các ngôi miếu Ông Tà. Đây có phải là một nét văn hoá đặc biệt của người Việt, có từ khi những lưu dân đầu tiên khai phá rừng hoang, mở đất, lập làng. Thấm thoắt mà cũng… đã mấy trăm năm.
TRẦN VŨ