Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hoán đổi đất bằng giấy tay và những hệ luỵ…
Chủ nhật: 06:26 ngày 17/02/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vào năm 1985, khi mà đất đai chưa có giá trị cao như bây giờ, tình làng nghĩa xóm còn được mọi người trân trọng, thì việc hai gia đình hoán đổi đất cho nhau để tạo thuận lợi trong sinh hoạt là chuyện không hiếm. Tuy nhiên,...

(BTN)- Vào năm 1985, khi mà đất đai chưa có giá trị cao như bây giờ, tình làng nghĩa xóm còn được mọi người trân trọng, thì việc hai gia đình hoán đổi đất cho nhau để tạo thuận lợi trong sinh hoạt là chuyện không hiếm. Ông Nguyễn Văn Tòng và ông Trần Văn Nam sống và làm ruộng gần nhau. Thấy đất mình không có đường đi nên ông Tòng có nhã ý đổi cho ông Nam một phần đất có góc chéo, ngược lại ông Nam giao lại cho ông Tòng phần đất gần mặt lộ có chiều ngang 6m để làm đường xe đi. Để cho chắc ăn hai ông còn làm giấy tờ trao đổi đất.

Mọi việc trở nên xáo trộn khi ông Tòng qua đời, và ông Nam tiếp tục đổi đất một lần nữa với người khác. Khi đó, người đổi đất với ông Nam được cấp giấy chứng nhận QSDĐ bao trùm luôn cả phần đất mà trước đây ông Nam đã đổi với ông Tòng. Lấy lý do là đất được cấp giấy nên người chủ đất mới của ông Nam không cho con ông Tòng đi trên đường cũ. Vậy là phát sinh tranh chấp, và cả hai bên cùng kéo nhau ra toà nhờ phân xử.

Bà Nguyễn Thị Khanh là con của ông Tòng khởi kiện vợ chồng ông Lê Tấn Thịnh và Huỳnh Ngọc Minh ra TAND huyện T để tranh chấp QSDĐ đối với con đường đi mà bà Khanh được thừa kế từ ông Tòng. Theo đơn khởi kiện, bà Khanh khẳng định con đường trên vốn là phần đất của cha bà (là ông Tòng) đã đổi đất với ông Nam trước đây để làm đường đi. Thế nhưng, vợ chồng ông Thịnh cho rằng phần đất con đường là của mình, với lý do trước đây ông Nam đã đổi với ông Thịnh để lấy phần đất khác trong đó giao luôn cho ông Thịnh phần đất mà bà Khanh cho là đường đi. Và hiện nay ông Thịnh đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong đó có cả phần đất con đường.

Không đồng ý với lập luận của ông Thịnh, bà Khanh trưng ra tờ giấy tay hoán đổi đất vào năm 1985 giữa ông Tòng và ông Nam để làm chứng cứ. Ngược lại, vợ chồng ông Thịnh cũng đưa ra tờ giấy tay đổi đất với ông Nam vào năm 1994 và cho rằng trong đó bao trùm cả phần đất con đường đi.

Qua thực tế xác minh và các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, TAND huyện T nhận định phần đất mà bà Khanh đang tranh chấp với vợ chồng ông Thịnh có nguồn gốc của ông Nguyễn Văn Tòng, khai phá và tạo lập vào năm 1980. Khi còn sống, ông Tòng có đăng ký kê khai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Năm 1985, ông Tòng có làm giấy tờ trao đổi đất với ông Trần Văn Nam, trong đó ông Nam lấy 1 phần đất có góc chéo của ông Tòng, còn ông Tòng nhận đất mặt lộ 6m chiều ngang thẳng ra lộ kênh để làm đường đi. Tờ trao đổi đất không có chứng nhận của chính quyền địa phương.

Sau khi ông Tòng chết, vợ chồng bà Khanh có đến chính quyền địa phương đăng ký kê khai diện tích đất và được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng lại không có đăng ký kê khai thửa đất mà ông Tòng đã trao đổi với ông Nam trước đây. Hiện tại gia đình bà Khanh vẫn đi lại trên phần đất làm con đường này.

Còn vợ chồng ông Thịnh thì cho rằng vào năm 1994, ông Nam cùng con có trao đổi đất với vợ chồng ông Thịnh. Khi trao đổi đất, ông Nam có nhận của vợ chồng ông Thịnh 1 chiếc xe mô tô, và 12 chỉ vàng 24K và giao cho ông phần đất có diện tích 1,8 ha, trong đó gồm cả đất ruộng và đất thổ cư. Năm 2003, ông Thịnh đã được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần đất trên với diện tích là 2 ha, nên ông Thịnh không đồng ý trả lại phần đất làm đường đi.

Qua xác minh cho thấy việc ông Tòng và Nam đổi đất vào năm 1985 là có thật và gia đình bà Khanh vẫn đi lại trên phần đất được đổi từ ngày đó đến nay. Còn giấy tay trao đổi đất giữa ông Nam và vợ chồng ông Thịnh vào năm 1994, được con của ông Nam xác nhận đúng là chữ ký của ông Nam, nhưng khi lập không có ghi đổi đất thổ cư (!) (tức phần đất mà ông Nam và ông Tòng trao đổi vào năm 1985). Kết quả giám định của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh xác định chữ viết “và thổ cư” trong giấy tay trao đổi đất giữa ông Nam và vợ chồng ông Thịnh là chữ… điền thêm vào. Và theo sơ đồ không ảnh năm 1993 thì thửa đất mà ông Nam đăng ký có thể hiện cả con đường đi. Mặt khác, thực tế đất mà ông Nam đổi cho vợ chồng ông Thịnh chỉ có diện tích 1,8 ha, nhưng phần diện tích ông Thịnh được UBND huyện T cấp lên đến 2 ha là không phù hợp.

Từ những chứng cứ thực tế xác minh, TAND huyện T xét xử sơ thẩm đã buộc vợ chồng Thịnh phải trả lại cho bà Khanh phần đất mà hiện tại bà Khanh đang sử dụng để làm đường đi. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, thì hiện nay do không đồng ý với bản án sơ thẩm nên vợ chồng ông Thịnh đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện T lên cấp phúc thẩm để xét xử.

Dù kết quả xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nêu trên như thế nào, thì vấn đề cần quan tâm là mọi chuyện trao đổi, mua bán nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng đều phải được thực hiện đúng và đủ theo quy định của pháp luật. Nếu như việc trao đổi đất giữa ông Tòng và ông Nam được xác nhận của cấp có thẩm quyền, được đăng ký và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi thì sẽ không có những hệ luỵ kéo dài nhiều năm sau- cho dù trong đó có những đương sự có liên quan qua đời hay một trong các phần đất đó được tiếp tục trao đổi, mua bán.

TRẦN AI

Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục