Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hoàng kỳ bổ khí thăng dương
Thứ bảy: 06:24 ngày 15/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hoàng kỳ dùng cho các trường hợp lao quyện nội thương, khí hư, huyết hư, tiêu chảy lỏng; sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, băng lậu,...

Hoàng kỳ là rễ phơi hay sấy khô của một số cây hoàng kỳ. Hoàng kỳ chứa các glucozid, glucose, sacarose, mucin, resin, acid amin, choline, acid folic, sitosterol, flavonoid, Fe, Mn, Zn. Vị ngọt, tính ôn; vào kinh tỳ và phế nên hoàng kỳ là vị thuốc Đông y có tác dụng bổ khí, cố biểu, còn có tác dụng giải độc, sinh cơ và lợi niệu.

Hoàng kỳ vị ngọt, tính ôn, là vị thuốc bổ khí, cố biểu.

Hoàng kỳ dùng cho các trường hợp lao quyện nội thương, khí hư, huyết hư, tiêu chảy lỏng; sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, băng lậu, khí hư, bạch đới (huyết trắng). Có 2 dạng chế biến: loại dùng sống tác dụng ích khí, cố biểu, chỉ hãn, lợi thủy, tiêu thũng, bài nùng sinh cơ, dùng cho các trường hợp tự hãn đạo hãn, tê bại phù nề, sang thương; loại sao mật tác dụng bổ trung ích khí, thăng dương cử hãm. Thông thường dùng 8g - 12g/ngày, có thể đến 63 - 125g.

Hoàng kỳ kê nhục thang: hoàng kỳ 30g, nấm hương (hoặc các loại nấm ăn khác) 150g, thịt gà nạc 250g, gừng tươi 15g, hành 20g. Nấm được ngâm mềm, rửa sạch. Xoong đặt trên bếp lửa cho dầu chiên sôi, cho thịt gà, gừng, hành vào xào chín, cho tiếp muối ăn, chút rượu, nấm và một lượng nước thích hợp, đun khoảng 30 phút - 1 giờ. Cho thịt gà và nấm hương ra đĩa, rắc bột tiêu; thêm cải bẹ hoặc súp lơ vào nước canh, đun sôi tiếp cho chín, đổ lên đĩa. Dùng cho trung lão niên nam nữ suy nhược hay bị cảm cúm, hồi hộp, tức ngực, đau đầu quên lẫn.

Chim câu hầm hoàng kỳ câu kỷ tử: hoàng kỳ 60g, kỷ tử 30g, chim câu 1 con (làm sạch bỏ ruột). Cho vào nồi cách thủy và lượng nước thích hợp. Hầm chín. Khi ăn thêm muối, bột ngọt, gia vị khác. Dùng cho các trường hợp sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, sa thận, các trường hợp xổ bụng, thoát vị.

Thịt rắn hầm hoàng kỳ: hoàng kỳ 60g, tục đoạn 10g, thịt rắn 1.000g, gừng tươi 15g, thịt mỡ lợn bỏ bì 30g. Chảo nóng trên bếp cho lửa to vừa, đổ mỡ lợn cho sôi chảy mỡ, cho thịt rắn vào tiếp tục khuấy đảo cho chín trong khi cho thêm chút rượu. Đổ sang xoong nấu, cho hoàng kỳ, tục đoạn đã được ngâm mềm sẵn cùng với gừng, hành, muối mắm và một lượng nước thích hợp, bung hầm nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ, cho thêm hạt tiêu, gia vị tùy ý. Dùng cho các bệnh nhân bị phong tê thấp, viêm khớp dạng thấp và các trường hợp đau mỏi cột sống, thắt lưng, tay chân liên quan đến đau mỏi do thời tiết, do các di chứng...

Cháo hoàng kỳ: hoàng kỳ 30g, đảng sâm 30g, bạch truật 15g, phục linh 15g, cam thảo 6g, gạo tẻ 60g. Sắc dược liệu lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo. Dành cho người cao tuổi suy nhược, thở ngắn, thở gấp; hoặc bị cảm cúm ăn vào các buổi sáng.

Hoặc: hoàng kỳ 30g, da nhím nướng 15g, gạo tẻ 60g. Hoàng kỳ, da nhím nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo tẻ vào nấu cháo. Dành cho người cao tuổi ăn điều trị bệnh trĩ xuất huyết dai dẳng, ăn khi đói.

Hoặc: hoàng kỳ 30g, xuyên khung 30g, gạo nếp 60g. Hoàng kỳ, xuyên khung nấu lấy nước, bỏ bã, cho gạo tẻ vào nấu cháo. Dành cho phụ nữ bị động thai dọa sẩy, chia 2 lần ăn trong ngày.

Tim lợn chấm hoàng kỳ: hoàng kỳ sao rượu, tán mịn dùng để chấm trộn với tim lợn luộc ăn. Dành cho phụ nữ sa tử cung, huyết trắng, lở ngứa.

Kiêng kỵ: Thực chứng, nhiệt chứng và âm hư hỏa vượng đều không được dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang (SKĐS)

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh