Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hoang vu Ma Thiên Lãnh
Thứ tư: 10:33 ngày 02/10/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Giá như Nhà nước cho làm lại con đường lên núi và giải quyết được tình trạng rác rến hơi nhiều kể trên, thì chắc hẳn các nhà đầu tư sẽ phải… xếp hàng đợi lượt!

Giá như Nhà nước cho làm lại con đường lên núi và giải quyết được tình trạng rác rến hơi nhiều kể trên, thì chắc hẳn các nhà đầu tư sẽ phải… xếp hàng đợi lượt!

Động Bồ Đề

(BTN) - Dễ đã năm, bảy năm rồi, sau cái vụ Tây Ninh rục rịch quy hoạch, mời gọi đầu tư các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi ở Ma Thiên Lãnh. Nghe nói cũng đã có vài ba công ty đến khảo sát điều tra, thậm chí còn vẽ cả bản đồ quy hoạch. Rồi các nhà sư bên quần thể các chùa núi Bà (ở phía Đông Nam sườn núi) cũng tới xem, dự định chọn chỗ lập chùa. Vậy mà rồi “tiếng tăm” Ma Thiên Lãnh cứ lụi dần đi. Giờ, kinh tế có vẻ bắt đầu xu hướng hồi phục, tưởng cũng nên nhắc lại.

Ma Thiên Lãnh bây giờ vẫn như xưa, vẹn nguyên một vùng hoang vắng. Còn vắng hơn cả dăm bảy năm trước nữa vì mấy công trường khai thác đá đã ra đi, để lại con đường vào hơn 800 mét loang lở những ổ gà, ổ chó khiến bánh xe máy bị dằn xóc, nảy tưng. May mà UBND Thị xã đang cho tu sửa lại. Vẫn còn lại tàn tích của cái nghề khai thác đá hưng thịnh một thời- là những ao hồ sâu hút, nước mưa đọng lại thành những hồ ao xanh trong ở bên phía tay phải con đường vào Ma Thiên Lãnh.

Từ cuối con đường vào, bắt đầu từ giữa 2 cột cây số 11 và 12 trên lộ 785 tính từ Thị xã, thêm 500 mét nữa là tới đầu dốc lên thung lũng Ma Thiên Lãnh. Sự hoang vu cũng bắt đầu. Bên phải là vách đá cheo leo, có một cụm bằng lăng nở hoa hồng rực trùm lên vách đá lô xô, tưởng như có những chiếc hang bên dưới. Bên trái đường lên vẫn mọc tràn lan sung già cổ thụ, những cây thân lớn cả một, hai vòng tay ôm, cành lá nguềnh ngoàng, chi chít trái sung nơi còn chín đỏ, nơi đã khô xác đi vì không ai hái. Xa xa, lấp lánh dưới thung sâu là những dòng nước luồn qua đá núi nhấp nhô, vọng lên tiếng róc rách như tiếng suối chảy.

Điểm nhấn của toàn bộ cảnh quan Ma Thiên Lãnh chắc là đây, nơi gọi là động Bàn Cờ, hoặc vồ Bồ Đề, bởi bắt đầu thấy rộn rã tiếng cười nói của từng nhóm người đi làm, hoặc đi chơi ngày chủ nhật. Động Bàn Cờ cách đầu dốc của đường đi lên khoảng 300 mét. Từ đây đã không thể đi xe máy tiếp được nữa, nên cô chủ quán cà phê kiêm luôn việc giữ xe, để cho khách tiếp tục khám phá những hoang sơ Ma Thiên Lãnh.

Gọi là động Bàn Cờ vì nơi đây đã có bàn tay tạo hoá xếp lại những tảng đá bằng phẳng, trông giống như một bàn cờ tiên cảnh. Dọc ngang là những rãnh đá to như những chiến hào của bộ đội ta thời kháng chiến tạo thành những ô cờ. Mùa mưa mới có thêm một dòng suối nhỏ ngẫu hứng chảy ngang. Ngay giữa đỉnh gò đá ấy, tự bao giờ đã mọc lên một cây bồ đề, nay đã thành cổ thụ. Cành lá xum xuê toả đều các hướng, thân cành như bện, xoắn bởi những dải thân, rễ ngời sáng. Trông xa, cây giống hệt như một cái nấm, hay một cái ô vĩ đại giương lên để các ông tiên đến chơi cờ.

Nay dưới gốc cây la liệt bình bông, chân nến, đèn nhang của nhiều người đến cúng. Chẳng rõ cúng ai, hay đơn giản chỉ do tập quán kính tin, ngưỡng mộ những gì đẹp, lạ, kỳ vĩ của tự nhiên. Mà hình như cây bồ đề này cũng có sức mạnh chở che gì đó, nên chiếc lều dựng tạm bợ chỉ bằng 4 cột đá xây lởm chởm, trên gác sơ sài vài cây tạp rồi lợp tôn kẽm lên, đứng giữa một ngọn đồi trống thông thốc gió thế mà hầu như vẫn vẹn nguyên sau biết bao năm mưa nắng. Dưới mái lều này, lúc nào cũng có từng nhóm người ngồi quây quần ăn uống, hát ca.

Chở cây thuốc xuống núi

Từ động Bàn Cờ trở lên, con đường đá thời Pháp thuộc đã hầu như biến mất. Địa hình vẫn còn tương đối bằng phẳng, người ta có thể tiến tới theo những lối mòn. Cây cối đã bao trùm lên tất cả, nhờ công lao của ban dự án rừng đặc dụng núi Bà.

Ngước lên mới thấy những chùm bông giá tỵ màu vàng xôi đậu rung rinh. Ấy thế mà vẫn có những tảng đá lớn bằng cả ngôi nhà tình nghĩa nằm rải rác đó đây, như vừa mới lở ra rơi xuống từ trên vách đá. Xuyên qua bãi đá và cây tối om, lại hiện ra một khoảng trống chan hoà ánh nắng, như kiểu một trảng trống giữa lòng thung lũng lớn.

Dấu tích của bàn tay lao động con người chính là ở đây, hai bên với những ruộng cần tây ăm ắp nước đầy, trong veo và mát lạnh. Dọc bờ ruộng có một hàng dừa lão đứng ngả nghiêng. Xưa chỗ này là ruộng của ông Hai Nòm, với đặc điểm khó quên là một bọng đá lúc nào cũng tràn đầy nước lạnh như kem- nguồn cung cấp nước cho các ruộng rau suốt những tháng mùa khô. Nay bọng đá nước ấy không còn nữa.

Thay vào đó là một ruộng rau nhỏ có mương nước chạy vòng quanh, róc rách chảy quanh năm. Cũng từ đây con đường đá cũ lại lộ ra với phần nền đường xếp toàn bằng đá hộc. Vẫn tiếp tục là đá dựng lô xô chen giữa cây rừng. Ma Thiên Lãnh chỗ nào cũng đẹp, chỉ tiếc là nhiều nơi bị các tốp bạn trẻ đi picnic vô tư xả rác. Giá như Nhà nước cho làm lại con đường lên núi và giải quyết được tình trạng rác rến hơi nhiều kể trên, thì chắc hẳn các nhà đầu tư sẽ phải… xếp hàng đợi lượt!

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục