Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hoạt động chế biến tinh bột khoai mì: Nâng công suất không tương ứng với xử lý ô nhiễm môi trường
2009-05-21 02:20:00

Chỉ trong hơn 3 năm qua công suất thực tế đã được các nhà máy chế biến mì tự ý nâng lên gấp đôi. Từ đó kéo theo những vướng mắc, phức tạp nhất là trong việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 83 cơ sở chế biến tinh bột khoai mì với tổng công suất hơn 3.500 tấn bột/ngày- tương đương hơn 12.000 tấn củ/ngày. Trong khi đó, từ năm 2005- khi UBND tỉnh có chủ trương không cấp phép mới cho nhà máy chế biến mì hoạt động trên địa bàn tỉnh, đồng thời không cho phép các nhà máy chế biến đã hoạt động được tăng công suất, thì tổng công suất chế biến toàn tỉnh chỉ vào khoảng hơn 1.500 tấn tinh bột/ngày. Vậy mà chỉ trong hơn 3 năm qua công suất thực tế đã được các nhà máy chế biến mì tự ý nâng lên gấp đôi. Từ đó kéo theo những vướng mắc, phức tạp nhất là trong việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Giấy phép một đàng, thực tế một nẻo

Tinh bột khoai mì chờ xuất khẩu.

Doanh nghiệp tư nhân Sầm Nhứt có nhà máy chế biến khoai mì đặt tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên là một trong những doanh nghiệp làm ăn khá hiệu quả. Năm 2007, tổng doanh thu của Sầm Nhứt hơn 16 tỷ đồng, một năm sau doanh thu được nâng lên hơn 34 tỷ đồng. Được biết năm 2005, nhà máy chế biến tinh bột khoai mì của doanh nghiệp Sầm Nhứt được cấp phép hoạt động với công suất chỉ có 15 tấn củ/ngày- tương đương khoảng 4 tấn bột/ngày. Sau đó, doanh nghiệp đã tự nâng công suất chế biến lên dần. Đến nay, tổng công suất chế biến của nhà máy Sầm Nhứt đã lên đến 80 tấn bột/ngày- cao gấp 20 lần so với công suất được cấp phép hoạt động. Nhà máy công suất càng cao thì chi phí xử lý môi trường càng nặng. Doanh nghiệp Sầm Nhứt dự kiến hợp tác với một công ty chuyên xử lý môi trường ngoài tỉnh tiến hành xử lý môi trường theo công nghệ Bioga để giảm thiểu chi phí đầu tư. Công ty này đã đến khảo sát thực tế và thấy rằng nhà máy đáp ứng đủ yêu cầu xử lý Bioga. Thế nhưng rắc rối lại xảy ra ở chỗ… công suất trong giấy phép của Sầm Nhứt chỉ có 4 tấn bột/ngày. Với công suất này thì không đủ tiêu chuẩn xây dựng hệ thống xử lý Bioga. Do đó mà dự kiến kết hợp với công ty ngoài tỉnh xử lý Bioga để giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp Sầm Nhứt không thể thực hiện được. Vì vậy việc xử lý môi trường ở đây đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh và đúng tiêu chuẩn.

Không chỉ có doanh nghiệp Sầm Nhứt gặp phải vướng mắc về vấn đề công suất, mà còn không ít doanh nghiệp khác cũng gặp phải trường hợp tương tự. Một số chủ doanh nghiệp chế biến mì gặp phải rắc rối này có ý kiến đề xuất UBND tỉnh cho phép được điều chỉnh công suất trong giấy phép hoạt động đúng theo thực tế hiện nay để có thể kết hợp thực hiện xử lý môi trường theo công nghệ Bioga. Tuy nhiên kiến nghị này rất khó đáp ứng, bởi lẽ trước đây tỉnh đã có chủ trương không cho phép nâng công suất chế biến khoai mì, và trong tháng 9.2008 UBND tỉnh lại tiếp tục có văn bản chỉ đạo không tăng công suất chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh. Do đó mà vướng mắc này đến nay vẫn không thể tháo gỡ.

Ghép nhỏ thành lớn, không dễ chút nào

Không ít nhà máy tự ý nâng công suất cao hơn giấy phép.

Một trong những định hướng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý môi trường đối với lĩnh vực chế biến tinh bột khoai mì được đặt ra là kết hợp những cơ sở chế biến có công suất nhỏ lại với nhau xây dựng thành nhà máy mới công suất lớn (nhưng không vượt quá tổng công suất của các cơ sở nhỏ trước khi kết hợp). Định hướng này xem ra có vẻ hợp lý, bởi vì từng cơ sở nhỏ- công suất nhỏ, doanh thu ít, vốn đầu tư kém… thì không thể nào có đủ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường hoàn chỉnh được, đồng thời cũng không đủ tiêu chuẩn công suất để hợp tác với công ty chuyên môn xử lý môi trường theo công nghệ Bioga. Khi hợp tác nhau xây dựng chung một nhà máy công suất lớn thì việc xây dựng hệ thống xử lý sẽ tập trung hơn, chi phí xử lý môi trường so với từng cơ sở công suất nhỏ giảm thiểu hơn và dễ đạt yêu cầu thực hiện xử lý môi trường theo công nghệ Bioga. Tuy nhiên, khi thăm dò một số doanh nghiệp chế biến khoai mì thì thực tế cho thấy việc hợp tác xây dựng nhà máy chung không hề đơn giản. Hiện tại tỉnh đã có quy hoạch khu vực cho các cơ sở chế biến tinh bột khoai mì công suất nhỏ tập trung kết hợp thành nhà máy công suất lớn. Thế nhưng hầu hết các cơ sở đều e ngại việc di dời vì quá tốn kém. Đồng thời cũng có một số chủ cơ sở chế biến công suất nhỏ băn khoăn do không quen cung cách làm ăn theo kiểu hợp tác như vậy. Do đó, tuy định hướng hợp tác để nâng công suất chế biến tinh bột khoai mì là hợp lý, nhưng thực tế cũng khó thực hiện.

Việc xử lý chống ô nhiễm đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là việc tất yếu phải thực hiện. Do đó có ý kiến cho rằng muốn môi trường được bảo đảm phải có quy định chặt chẽ, cụ thể, giải pháp cứng rắn buộc các cơ sở chế biến khoai mì thực hiện, nếu không sẽ bị chế tài nghiêm khắc. Còn nếu như vẫn dựa trên cơ sở “khuyến khích” (thực chất là buông lỏng cho doanh nghiệp tự ý nâng công suất) thì rất khó đạt yêu cầu.

SƠN TRẦN

Từ khóa:
Tin liên quan