Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hoạt động của các cơ sở y tế: Vướng cơ chế, khó thu hút nhân lực trình độ cao
Thứ tư: 11:51 ngày 29/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đoàn công tác của HĐND tỉnh vừa có buổi làm việc với một số cơ sở y tê tế trong tỉnh. Trong đó, nguồn nhân lực, thu nhập của người lao động trong ngành, chất lượng thuốc cho người có thẻ BHYT… là những vấn đề được quan tâm.

Trong phòng hồi sức ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Tiếp tục đợt khảo sát về tình hình hoạt động tại các cơ sở y tế, trong hai ngày 23 và 24.7, đoàn công tác của HĐND tỉnh có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu. Nguồn nhân lực, thu nhập của người lao động trong ngành, chất lượng thuốc cho người có thẻ BHYT, vướng mắc trong thanh toán đối với người có thẻ BHYT… là những vấn đề được đặt ra.

Thu nhập tăng thêm chỉ 74.000 đồng/tháng

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh viện có quy mô 700 giường, 28 khoa phòng, 15 khoa lâm sàng, 3 khoa cận lâm sàng và 3 khoa hỗ trợ hậu cần, với tổng số 789 cán bộ viên chức.

Những năm qua, bệnh viện đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hoá trang thiết bị và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các trang thiết bị từ dự án JICA - Nhật Bản và từ ngân sách trong đó có máy MRI 1,5 Tesla, máy CT Scanner 128 lát cắt, máy xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, sinh học phân tử Realtime PCR…

Đội ngũ bác sĩ trẻ được bổ sung. Nhờ vậy, bệnh viện đã triển khai thêm các kỹ thuật mới, đề án nâng cao và phát triển chất lượng hoạt động của bệnh viện, đề án thông tin tim mạch (MUSE), đề án y học từ xa (Telemedicine).

Hiện nay, do nhu cầu ít và những kỹ thuật cao dùng cho bệnh nhân nặng nên bệnh viện còn một số thiết bị chậm triển khai như máy thở cao tần, máy lọc máu liên tục... Một số thiết bị khác từ Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản chuyển sang cũng chưa triển khai. Đơn vị còn gặp khó khăn trong công tác thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có BHYT.

Năm 2019, BHXH tạm thời không quyết toán 12.888.489.107 đồng, gồm 8.029.386.470 đồng do chênh lệch sử dụng phương pháp tê, mê và 4.859.102.637 đồng vượt dự toán. Đến ngày 21.7.2020, bệnh viện chỉ nhận được biên bản quyết toán chi phí với BHXH quý 1+2+3/2019.

Về thu nhập của người lao động, năm 2019, tổng thu nhập tăng thêm chi cho cán bộ, công nhân viên chức là 799 triệu đồng. Chia theo từng người, thu nhập tăng thêm bình quân là 940.000 đồng/năm/người, tức hằng tháng mỗi người có mức thu nhập tăng thêm chỉ 74.000 đồng.

Sau khi nghe báo cáo, thành viên đoàn công tác đặt thêm một số câu hỏi xung quanh hiệu quả của việc sử dụng trang thiết bị, công suất hoạt động, tình hình thiếu bác sĩ, thiếu điều dưỡng... thông tin về tình hình tài chính, thu nhập của cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Mức thu nhập tăng thêm theo như báo cáo khó có thể giữ chân những người giỏi chuyên môn. Đấu thầu hoá chất, đấu thầu thuốc, sử dụng trang thiết bị y tế được chuyển từ Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ cũng được thành viên đoàn quan tâm.

Bác sĩ Liêu Chí Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, về nhân lực, ngành Y tế có đặc điểm phải đào tạo lâu dài, có ngành từ 6 - 8 năm, chưa kể khi ra trường còn mất 18 tháng kể từ khi vào làm việc mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, cơ sở y tế này đang “tận dụng” bác sĩ nghỉ hưu làm việc theo hình thức hợp đồng.

Chính sách thu hút được nhìn nhận là hiệu quả thấp, vì khoản hỗ trợ chỉ có tính ban đầu, không phải chính sách lâu dài. Việc thuê chuyên gia cũng khó thực hiện vì liên quan sử dụng tài sản công, sau khi trừ chi phí sử dụng tài sản, chuyên gia mới được hưởng thù lao nên không hấp dẫn.

Tình hình tài chính, nguồn thu của bệnh viện chủ yếu từ BHYT. Cơ chế thanh toán liên quan đến BHYT còn bất cập, đang có những cách nhìn khác nhau giữa cơ sở khám, chữa bệnh với bảo hiểm xã hội.

Trong chuyên môn, Bộ Y tế quy định, một dịch vụ phẫu thuật có thể sử dụng thuốc gây mê, gây tê hoặc cả hai nhưng bên bảo hiểm lại phân định sử dụng thuốc gây mê hay gây tê phải tách riêng biệt... Đối với trang thiết bị, theo quy định, bệnh viện không được phép tự đầu tư mua sắm thiết bị y tế, kể cả hoá chất. Nếu muốn mua sắm, cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp báo cáo Sở Y tế, sau đó sẽ được cấp về.

Đối với việc sử dụng thuốc cũng như nơi sản xuất thuốc, lãnh đạo bệnh viện cho biết, Bộ Y tế có chủ trương tăng cường sản xuất thuốc trong nước, hạn chế sử dụng nhiều loại thuốc của nước ngoài. Theo thông tin, một loại thuốc có công dụng tương đương được sản xuất trong nước giá thành thấp hơn khoảng 8 - 10 lần. Đối với chính sách tuyển dụng, lãnh đạo bệnh viện thông tin, mặc dù đang hợp đồng với một số bác sĩ nhưng cơ sở không được tự chủ ký hợp đồng, việc này phải thông qua Sở Y tế.

Mức thu nhập cũng thấp nên một số vị trí làm việc theo diện hợp đồng không mặn mà gì, mức lương hiện hưởng của một điều dưỡng chỉ 2,7 triệu đồng/tháng. Vừa qua, bệnh viện nhận 6 hồ sơ điều dưỡng xin vào làm nhưng sau khi tìm hiểu, 4 người trong số đó đã từ chối vì thu nhập thấp.

Giá thuốc rẻ bất thường

Tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, lãnh đạo trung tâm cho biết ngoài những thuận lợi, cơ sở y tế này cũng đang gặp khó khăn. Trung tâm đang thiếu nhân lực, đặc biệt bác sĩ có trình độ chuyên khoa như sản, nhi, ngoại khoa, tâm thần...

Số lượt khám bệnh giảm nhiều so cùng kỳ, công suất sử dụng giường bệnh giảm. Về thuốc phục vụ người bệnh, đơn vị có thời gian ngắn thiếu thuốc phục vụ nhưng mức độ thiếu không nghiêm trọng, có nghĩa là vẫn còn thuốc cùng nhóm điều trị thay thế… Hiện có một số trang thiết bị chưa triển khai và đưa vào hoạt động như máy đo điện não đồ.

Về cơ chế tự chủ tài chính, Trung tâm tự chủ một phần về kinh phí, nhưng với tình hình khám, chữa bệnh hiện nay, khả năng tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn, lương cho viên chức và các hoạt động khác, thu không đủ.

Nguyên nhân của những khó khăn nêu trên, do thiếu nhân lực. Đơn vị rất khó khăn khi cử viên chức đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế trong môi trường nhà nước chưa hợp lý, đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư…

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân, đồng thời thực hiện chính sách giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, dẫn đến tổng số lượt khám, chữa bệnh giảm.

Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo lộ trình của Sở Y tế dẫn đến thiếu nhân sự, trình độ nhân lực không đồng đều, gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ. Một số nhân viên y tế xin nghỉ việc, đặc biệt là bác sĩ, chấp nhận việc phải đền bù kinh phí đào tạo. Việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT còn chưa phù hợp. Việc thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

 Về tình hình thiếu thuốc, đại diện TTYT cho biết, việc mua thuốc đang gặp những trở ngại về quy trình, thủ tục liên quan đến ngành bảo hiểm. Đối với giá cả điều trị, đại diện TTYT cho biết, bình quân mỗi toa thuốc sử dụng trong 5 ngày cho người bệnh có thẻ BHYT chỉ có 130 ngàn đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về chủng loại, chất lượng thuốc điều trị đối với người có thẻ BHYT.

Bà Kim Thị Hạnh, trưởng đoàn khảo sát đặt vấn đề về chất lượng chủng loại thuốc giá thấp bất thường, vậy liệu có bảo đảm chất lượng? Theo giải thích của đại diện TTYT, trong quá trình đấu thầu thuốc, có một số công ty cung cấp thuốc “chào hàng” nhiều loại thuốc giá rẻ một cách khó tin: một viên thuốc chỉ có 24 đồng hoặc 77 đồng, có nghĩa nếu chỉ chi ra một ngàn đồng, số thuốc mua được có thể đủ dùng trong một tháng. Khi TTYT muốn mua loại thuốc đắt tiền hơn thì bên bảo hiểm chất vấn. “Thuốc đắt chưa chắc đã tốt nhưng thuốc rẻ thì bác sĩ không yên tâm” - đại diện TTYT huyện Dương Minh Châu nói.

Về thu nhập tăng thêm của người lao động, trung tâm chỉ lo đủ lương, không có thu nhập tăng thêm. Liên quan đội ngũ, cũng như một số nơi khác, trung tâm đang thiếu hụt nhiều vị trí. Bây giờ muốn tăng biên chế cũng khó, vì trước khi nhận người phải tính đến nguồn thu.

Đa số bác sĩ đang công tác trong ngành y tế ở huyện Dương Minh Châu đều đi lên từ y sĩ, còn người học chính quy rất hiếm. Trước đây, trạm y tế nào cũng có bác sĩ, nay đã về hưu gần hết, chỉ còn lại 4 - 5 trạm y tế cấp xã có bác sĩ. Theo thống kê, Dương Minh Châu là huyện có nhiều học sinh phổ thông thi đậu vào các trường y khoa, nhưng sau khi học xong, rất ít người trong số đó về huyện nhà công tác.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục