Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng ngày càng đi vào nề nếp
Thứ bảy: 12:04 ngày 08/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tổng cục Thuỷ lợi - Bộ NN&PTNT đã cấp tổng cộng 19 giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, trong đó, tỉnh Tây Ninh cấp 12 giấy phép, tỉnh Bình Dương 6 giấy phép, tỉnh Bình Phước 1 giấy phép; tổng công suất được UBND các tỉnh cấp phép là 743.600m3/năm.

Các doanh nghiệp khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng đã chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Trong ảnh là hồ lắng tại bãi cát của doanh nghiệp Quang Vinh, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu).

Hiệu quả tích cực

Mùa khô năm 2021, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đã ổn định không còn có dấu hiệu bị đục như những năm trước đây. Hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra bình thường dù mực nước mùa khô năm nay có thấp hơn so với những năm về trước.

Theo Báo cáo số 87/BC-TTN ngày 20.10.2020 của Tổ tác nghiệp (thành lập theo Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 14.5.2020 của UBND tỉnh) kết quả kiểm tra, kiểm kê các phương tiện, bến bãi, bể lắng, trạm cân, camera, thiết bị giám sát hành trình để truyền dữ liệu, lưu trữ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các đơn vị hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng. cho thấy hoạt động khai thác cát trong hồ ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đáp ứng được đầy đủ các quy trình khai thác như độ sâu khai thác, thiết bị giám sát hành trình, quy trình vận hành bể lắng và chưa thực hiện báo cáo các hoạt động đo vẽ, kiểm đếm trữ lượng, quan trắc môi trường theo định kỳ, truyền dữ liệu online về các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để theo dõi, giám sát hoạt động.

Nhìn chung, các doanh nghiệp khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường như xây dựng các bể lắng để bảo đảm nguồn nước sau khi khai thác cát đổ ra hồ Dầu Tiếng; chấp hành việc khai thác đúng sản lượng cho phép, trang bị bàn cân ra vào bãi… theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Theo các doanh nghiệp khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng tại các xã Tân Phú, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu, sau khi có chỉ đạo của tỉnh, doanh nghiệp đã thực hiện tốt các quy định, không để xảy ra vi phạm. Các hồ lắng trong bãi cát được thiết kế để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn chấp hành khai thác đúng vị trí, số lượng phương tiện và thời gian được cấp phép khai thác.

Theo ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, ngoài hoạt động chấn chỉnh khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng của các tỉnh, thành liên quan thời gian qua, công ty cũng theo sát các hoạt động khai thác trong hồ để bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cho các địa phương.

Cụ thể, trong mùa khô 2020, ngay khi nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu bị đục, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà đã báo cáo UBND các tỉnh và Tổng cục Thuỷ lợi để tổ chức cuộc họp điều chỉnh thời gian, công suất khai thác trong mùa cạn từ ngày 25.5.2020 đến 30.7.2020. Kết quả của việc phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh và công ty trong quản lý hoạt động khai thác cát là chất lượng nước hồ Dầu Tiếng ngày càng được bảo đảm, bảo vệ an toàn cho hồ Dầu Tiếng.

Do công tác quản lý khai thác cát nề nếp đã góp phần ổn định chất lượng nước hồ Dầu Tiếng thời gian qua. Ảnh minh họa

30 tàu “Vô chủ” chưa được di dời khỏi hồ

Ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thời gian qua, còn có một vấn đề bất cập mà các đơn vị cùng các tỉnh, thành phải phối hợp giải quyết, đó là di dời những con tàu “vô chủ” ra khỏi lòng hồ Dầu Tiếng.

 Hiện tại trong hồ Dầu Tiếng có khoảng 30 tàu thuyền không được UBND tỉnh cấp phép hoạt động đang được lực lượng Công an các tỉnh tạm giữ tại các bãi neo đậu tập trung. Việc tàu thuyền “vô chủ” neo đậu trong lòng hồ lâu ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước như vỏ tàu, thuyền bị gỉ sét, dầu nhớt chảy ra từ máy móc ảnh hưởng đến nguồn nước hồ... Vì vậy, việc di dời các tàu, thuyền ”vô chủ” này là chuyện phải thực hiện trong thời gian tới.

Thế nhưng, công ty chỉ là doanh nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước nên không thể ban hành các quyết định tịch thu, bán đấu giá sung vào công quỹ đối với những tàu, thuyền “vô chủ”. Hơn nữa, công ty cũng không có chi phí để di dời những con tàu trên ra khỏi hồ. Đó là vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

 Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch di dời các phương tiện tàu thuyền không nằm trong kế hoạch khai thác ra khỏi lòng hồ, báo cáo UBND các tỉnh chỉ đạo hỗ trợ.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục