BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động mua bán trâu, bò vùng biên giới: Các khu cách ly kiểm dịch sẽ đóng cửa vào ngày 1.6.2010?

Cập nhật ngày: 31/05/2010 - 10:44
HTML clipboard

Bài liên quan:

* Bát nháo chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới

>> Kỳ 1: Từ một vụ buôn lậu bị phát hiện

>> Kỳ 2: Trâu bò “đại hạ giá”! 

>> Kỳ 3: Bất nhất trong xử lý

>> Kỳ cuối: Công ty Kim Thành và thương lái “tố” nhau

* Viết tiếp chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới:

>> Kỳ 1: “Buôn lậu” công khai ở Tân Biên

>> Kỳ 2: Hành trình “vượt biên” của trâu bò Campuchia

* Ngành Nông nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được quan tâm

* Buôn lậu trâu bò vùng biên giới: “Thị trường” tạm thời yên ắng

* Buôn lậu trâu bò: Tân Biên “thắt chặt”, Châu Thành “bỏ ngỏ”

* Buôn lậu trâu bò: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương tham mưu hướng giải quyết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khu cách ly kiểm dịch trâu bò ở khu vực xã Biên Giới (huyện Châu Thành) và 3 khu khác ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên) có thể sẽ phải đóng cửa vào ngày 1.6 tới, nếu như không có chủ trương khác từ Bộ Công thương…

Thông tư của hai bộ “đá” nhau

Ngày 28.5.2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư số 27/2009/TT-BNN về việc ban hành quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu, bò từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam (gọi tắt là Thông tư 27). Thông tư này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển trâu bò làm giống hoặc giết mổ từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam.

Theo Thông tư 27, trâu, bò từ Lào, Campuchia vào Việt Nam phải được đưa vào các khu cách ly kiểm dịch tại các tuyến biên giới. Các khu cách ly kiểm dịch do các doanh nghiệp thành lập, được phép nhập khẩu trâu bò theo đường chính ngạch hoặc mua gom trâu bò của cư dân vùng biên giới (có nguồn gốc từ Campuchia, Lào); đồng thời, các khu cách ly kiểm dịch có trách nhiệm nuôi nhốt trâu bò nhập khẩu 15 ngày, sau khi ngành Thú y làm các thủ tục xét nghiệm, kiểm dịch, theo dõi dịch bệnh… Thông tư 27 cũng hướng dẫn cụ thể về điều kiện thành lập khu cách ly, trình tự thực hiện kiểm dịch tại khu cách ly, trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan trong việc quản lý hoạt động mua bán trâu bò vùng biên giới, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc nhập khẩu…

Trâu, bò từ Campuchia đã không còn ồ ạt vào Tân Biên như trước mà đi tắt qua đường rừng

Thực hiện Thông tư 27, UBND tỉnh Tây Ninh và một số ngành chức năng có liên quan đã có các văn bản hướng dẫn việc thành lập một khu cách ly kiểm dịch trâu bò ở xã Biên Giới (huyện Châu Thành) và 3 khu ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên); đồng thời hướng dẫn một số quy định về thủ tục nhập khẩu trâu bò từ Campuchia vào Tây Ninh. Các khu cách ly kiểm dịch này được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y để nuôi cách ly, kiểm dịch động vật nhập khẩu.

Thế nhưng, đùng một cái, ngày 29.3.2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư số  10/2010/TT-BCT về việc quy định hàng hoá được sản xuất từ nước có chung biên giới nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi hàng hoá cư dân biên giới thời kỳ 2010-2012 (gọi tắt là Thông tư 10, có hiệu lực vào ngày 1.6.2010 tới). Thế nhưng, điều đáng nói là trong danh mục hàng hoá được phép trao đổi, mua bán của cư dân hai nước có cùng biên giới không có mặt hàng gia súc, gia cầm. Nghĩa là, thực hiện theo Thông tư 10, từ ngày 1.6, trâu, bò, gà, heo từ Campuchia bị cấm nhập vào Việt Nam. Đây quả là một “cú sốc” đối với các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng khu cách ly, kiểm dịch ở huyện Tân Biên và Châu Thành. Các khu cách ly này hoạt động mới 4 tháng trong tình trạng “cầm hơi” bởi trâu bò nhập lậu tung hoành, thương lái “không chịu” đưa gia súc vào khu cách ly để kiểm dịch mà đưa thẳng vào lò mổ.

Y kiến đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh

Trước tình hình này, ngày 21.5.2010, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT về việc bổ sung loại hàng hoá gia súc, gia cầm vào danh mục hàng hoá kèm theo Thông tư 10. Văn bản này cho biết, hiện Tây Ninh và một số địa phương lân cận có nhu cầu tiêu thụ mặt hàng trâu, bò, gà, vịt tại các huyện, tỉnh biên giới thuộc Vương quốc Campuchia, giáp với Tây Ninh. Đồng thời, phía Campuchia cũng rất cần thị trường tiêu thụ các mặt hàng trên ở Tây Ninh và một số tỉnh, thành phố lân cận. Thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT, 4 khu cách ly đã được đầu tư xây dựng ở Tây Ninh để phục vụ công tác kiểm dịch động vật nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, Thông tư 10 của Bộ Công thương không đưa mặt hàng gia súc, gia cầm vào danh mục hàng hoá được phép trao đổi, mua bán của cư dân hai nước có cùng biên giới. Do đó, từ ngày 1.6, các khu cách ly kiểm dịch ở Tây Ninh phải đóng cửa. UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị hai bộ trên xem xét, bổ sung loại hàng hoá gia súc, gia cầm vào danh mục hàng hoá kèm theo Thông tư 10 để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá là trâu bò của cư dân biên giới tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh.

Tiếp đó, ngày 26.5.2010, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ N&PTNT về việc cho phép cư dân biên giới Tây Ninh được mua trâu, bò của cư dân Campuchia; đề nghị hai bộ có chủ trương cho cư dân biên giới Tây Ninh được phép mua trâu bò của cư dân biên giới Campuchia trong sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

BẢO TÂM