BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động ngân hàng: Khó khăn về thế chấp đất đai

Cập nhật ngày: 07/10/2012 - 04:30

(BTN)- Năm 2012 có nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã tác động không thuận lợi đến hoạt động của hệ thống ngân hàng (HTNH). Trong 9 tháng đầu năm 2012, các NH thương mại trong tỉnh có nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng nên đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc làm hạn chế hiệu quả, khiến cho một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ (SCK).

Giao dịch ở Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tây Ninh

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, trong 9 tháng qua, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của HTNH đều tăng. Về huy động vốn, đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn của HTNH ước đạt gần 23.500 tỷ đồng- tăng 10,9% so với đầu năm và tăng gần 16,8% SCK. Trong đó nguồn vốn huy động từ dân cư ước đạt gần 15.000 tỷ đồng- tăng gần 23% so đầu năm và tăng hơn 25% SCK. Về tín dụng, đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của HTNH Tây Ninh ước đạt gần 16.000 tỷ đồng- tăng khoảng 5,2% so đầu năm và tăng 10,9% SCK. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay đạt hơn 9.800 tỷ đồng- chiếm 63% trong tổng dư nợ và tăng khoảng 10% so với đầu năm. Ngoài ra, đến cuối tháng 9, đã có 13/14 chi nhánh NH thương mại thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về mức tối đa là 15%/năm với dư nợ được điều chỉnh hơn 7.300 tỷ đồng. Theo đó mặt bằng lãi suất cho vay trong tổng dư nợ hiện có đã được kéo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng chậm lại khá nhiều- trong đó có tăng trưởng về dư nợ cho vay. Theo đánh giá của một số NH thương mại thì ngoài những khó khăn do tình hình kinh tế suy giảm còn thêm một số khó khăn khác nữa mà trước tiên là vấn đề tài sản thế chấp- đặc biệt là tài sản là đất đai. Theo ông Võ Tự Thiện- Giám đốc NH NN&PTNT chi nhánh Tây Ninh thì hạn chế trước tiên đối với tài sản thế chấp này là định mức hạn điền. Bởi chỉ có diện tích đất trong hạn điền được thế chấp, còn ngoài hạn điền khó có thể thế chấp được do phần diện tích vượt điền là đất thuê. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho người vay. Ngoài ra, việc giao đất phần trong hạn điền cũng có khó khăn, bởi vì giao có thời hạn. Thực tế hiện nay trong tài sản là đất đai đã thế chấp có những giấy chứng nhận QSDĐ sắp hết thời hạn giao đất. Nếu muốn việc thế chấp hợp pháp thì những giấy đỏ thế chấp hết hạn phải được gia hạn. Thế nhưng muốn gia hạn thời gian giao đất thì người vay phải lấy giấy đỏ ra khỏi ngân hàng để đem đến cơ quan chức năng xin gia hạn. Mà muốn lấy giấy đỏ thì phải trả hết nợ vay, trong đó có những món nợ chưa hết thời hạn vay. Điều này thực sự gây khó khăn cho người vay.

Cũng về lĩnh vực đất đai, theo ý kiến một số NH thương mại khác thì còn gặp phải khó khăn trong việc định giá tài sản để xác định mức cho vay. Theo quy định, tài sản thế chấp được định theo khung giá đất của tỉnh theo từng năm đã được HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên có nhiều khu vực khung giá đất của tỉnh quy định còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế, trong đó có nhiều khu vực trước đây là đất trồng lúa 1 vụ năng suất thấp với giá vài trăm triệu đồng/ha nay chuyển sang trồng cao su, mì, mía với giá thực tế cao hơn gấp 2, 3 lần. Từ khung quy định giá đất thấp dẫn đến việc xác định tài sản thế chấp thấp khiến số tiền được vay thấp, làm thiệt thòi cho người vay. Có một số NH thương mại cố tìm cách cho người vay số tiền tương ứng với giá trị thực của đất thế chấp bằng cách tính cả giá trị cây trồng trên đất, tuy nhiên việc tính toán này cũng gặp khó khăn vì theo quy định tài sản gắn liền trên đất phải có đăng ký và được công nhận mới đủ tính pháp lý để được nhận thế chấp. Thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp tài sản gắn liền trên đất chưa được cơ quan chức năng công nhận. Do đó dù NH có muốn tìm cách nâng cao mức cho vay để đỡ thiệt thòi cho người vay cũng không thể được. Ngoài ra, việc xử lý tài sản thế chấp khi khách hàng vay vốn nhưng không đủ khả năng trả nợ cũng gặp nhiều khó khăn. Có những vụ phải kiện ra toà án chờ thụ lý, xử lý và sau khi xử xong có bản án phải tiếp tục chờ thi hành án. Theo một số NH thì có những vụ thời gian chờ thi hành án kéo dài nhiều tháng khiến cho việc thu hồi vốn rất chậm là ảnh hưởng đến hoạt động NH.

Sơn Trần


 
Liên kết hữu ích