Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động ngoại khoá trong nhà trường: Đừng chỉ nặng hình thức

Cập nhật ngày: 10/10/2013 - 07:01
Các trường học cần thiết kế hoạt động ngoài giờ lên lớp - hoạt động về nguồn, tìm hiểu các di tích, các câu lạc bộ, đội nhóm… nhằm rèn cho học sinh sự tự tin, tính hợp tác.

Học sinh tham gia trò chơi dân gian (Ảnh minh hoạ: KN)

(BTN) - Để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục - Đào tạo thiết kế chương trình học tập theo hướng tăng cường tính chủ động của người học. Chủ trương giảm tải (bằng cách cắt bớt hoặc chuyển sang đọc thêm một số bài học) được áp dụng 3 năm gần đây, dù không thể nói là đã hiệu quả nhưng cũng không thể phủ nhận là trong chừng mực nào đó nó không gây áp lực lên thầy và trò. Song song đó, ngành giáo dục cũng lưu ý gắn hoạt động dạy học với các hoạt động ngoại khoá để góp phần hình thành các kỹ năng sống tích cực cho học sinh.

Theo đó, các trường học cần thiết kế hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNG)- hoạt động về nguồn, tìm hiểu các di tích, các câu lạc bộ, đội nhóm… nhằm rèn cho học sinh sự tự tin, tính hợp tác.

Còn nhớ, trong năm học 2012 - 2013, nhiều đơn vị trường học được thông báo là học sinh sẽ được xem phim miễn phí, nhưng không hiểu vì sao chờ dài cổ mà cũng không thấy tăm hơi của đoàn chiếu phim nào đến phục vụ.

Nhìn lại công tác ngoại khoá ở các đơn vị trường học, vẫn thấy có nhiều điều cần xem lại.

Đối với các tiết HĐNG, ngành giáo dục quy định hoạt động theo chủ điểm tháng, 2 tiết/tháng (giáo viên thường nói là một tuần hoạt động một tuần không). Tinh thần chung là giáo viên chủ nhiệm phụ trách định hướng, thiết kế chương trình hoạt động cho lớp mình sao cho phù hợp với chủ điểm, phù hợp đặc thù lớp học, giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Qua nhiều tiết HĐNG, giáo viên có thể phát hiện được những học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đó để giúp các em được rèn luyện, phát triển. Thực tế cho thấy có một số giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn không quan tâm đến hoạt động này. Trong trường hợp này, các tiết HĐNG chỉ diễn ra trên… giáo án, giáo viên dùng các tiết học này chỉ để sinh hoạt chủ nhiệm, để tìm ra biện pháp “chế tài” các lỗi vi phạm của học sinh hoặc đánh giá hạnh kiểm học sinh nhằm bảo đảm… mục tiêu thi đua (bởi vì lớp học đứng đầu bảng thi đua tháng vừa được thưởng vừa giúp giáo viên củng cố “thương hiệu”, xác định “đẳng cấp” với đồng nghiệp).

Người viết từng được nghe giáo viên ở một trường vùng sâu xuýt xoa khen mãi một đồng nghiệp: Không hiểu sao mà quản lý lớp giỏi thế, tháng nào cũng đứng nhất bảng thi đua trong trường, cuối năm lớp được thưởng một chuyến du lịch (với vài ba triệu đồng cho vị trí nhất liên tục từ 5 tháng trở lên).

Ngoài các tiết HĐNG theo quy định của ngành, các buổi hoạt động ngoại khoá khác trong trường học được đan cài nhau nhằm tạo nên không gian vui chơi, giao lưu có hiệu quả hơn cho học sinh. Thường là Đoàn Thanh niên giữ vai trò chính cho việc tổ chức các hoạt động này. Thế nhưng không ít hoạt động vẫn còn nặng tính hình thức, đối phó, chưa đi vào chiều sâu.

Có nơi Đoàn vận động học sinh thực hiện các công trình, hạng mục với số tiền đóng góp lên tới chục triệu đồng, nhưng hiệu quả mà các công trình này mang lại cho học sinh ra sao thì chưa ai dám khẳng định. Các hoạt động về nguồn đối với một số trường học hoàn toàn không thực hiện, vì lý do thiếu kinh phí.

Tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh còn phải kể đến vai trò của các tổ bộ môn, đặc biệt là trong việc hình thành các câu lạc bộ, đội, nhóm. Nhiều trường học có đội, nhóm văn nghệ nhưng ít có đội, nhóm, câu lạc bộ chuyên về hoạt động khám phá, chia sẻ tri thức. Nếu các câu lạc bộ này được hình thành (ví dụ “Câu lạc bộ những người yêu Sử” chẳng hạn) học sinh sẽ có cơ hội để gặp gỡ, sinh hoạt, trao đổi kiến thức… thay vì chạy theo những trò vui vô bổ, hay sa đà vào những thứ tệ nạn đang đe doạ chốn học đường.

Hỗ trợ cho công tác giáo dục, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, thời gian qua một số ban, ngành cũng đã chung tay với các trường học tổ chức các hoạt động bổ ích ngoài giờ lên lớp, chẳng hạn như ngành công an tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông, ngành y tế với việc hỗ trợ giáo dục sức khoẻ sinh sản…

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn đến về vai trò của hoạt động ngoại khoá trong giáo dục.

Không ai khác, chính nhà trường cần chủ động, sáng tạo trong các công tác, kế hoạch của mình để các hoạt động này được diễn ra cân đối, đồng bộ. Đừng để thành tích của nhà trường chỉ được vẽ nên bởi những con số. 

NHƯ HẠNH