BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động PCCR ở Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng

Cập nhật ngày: 14/02/2011 - 12:08

Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng giữ vị trí rất quan trọng đối với việc bảo vệ hệ thống thuỷ nông nói riêng, đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh biên giới nói chung. Bởi ngoài mục đích “phòng hộ đầu nguồn” cho hồ thuỷ lợi lớn nhất nước, khu rừng còn có vị trí kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng và có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch sinh thái… Theo Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh, đến năm 2010, rừng phòng hộ phải có tổng diện tích là 32.629 ha; trong đó rừng phòng hộ là 29.270 ha, rừng sản xuất 3.359 ha. Nhưng đến nay, năm 2010 đã trôi qua, mà trong tổng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ mới có 16.473 ha đất có rừng; bao gồm 11.849 ha rừng tự nhiên, 4.579 ha rừng trồng.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác bảo vệ rừng phòng hộ

Với hơn 16.000 ha rừng, chỉ đạt gần 60% diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, nhưng công tác phòng chống cháy rừng, nhất là vào mùa khô không phải dễ dàng. Trong khi đó cán bộ chuyên trách của Ban quản lý (BQL) chỉ có 24 người, và hơn 40 nhân viên hợp đồng; phải quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng được chia làm 10 tiểu khu. Công tác phòng chống cháy rừng được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy, các nguyên nhân, lý do, tác nhân gây cháy được chỉ rõ là hoàn toàn do con người gây ra cháy. Do vậy, để làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, tập thể cán bộ, nhân viên thuộc BQL và các tiểu khu hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục mọi người dân trong khu vực, nhất là những người sống gần rừng, và thường xuyên qua lại, mưu sinh trong khu rừng, làm cho mọi người hiểu biết và có trách nhiệm cao trong việc phòng chống cháy rừng. BQL đã tổ chức cho người dân ký kết hợp đồng, cam kết không để xảy ra cháy với bất kỳ nguyên nhân nào. Bên cạnh đó, công tác cảnh báo, tuần tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên, liên tục ở tất cả các địa bàn 24/24 giờ trong ngày. BQL đã thành lập 7 tổ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) gồm 77 thành viên, trong đó mỗi tổ có từ 2 đến 3 người là các thành viên các đội bảo vệ rừng, còn lại là lực lượng dân quân các xã có rừng và người dân tự nguyện tham gia. Toàn bộ rừng phòng hộ được chia ra từng khu vực, địa bàn cụ thể để các tổ chủ động trong việc tuần tra, kiểm soát, quản lý các diễn biến xảy ra. Các tổ PCCCR được tập huấn kỹ năng phát hiện cháy sớm khi mới bùng phát, kỹ năng huy động lực lượng (kể cả người dân) và phương tiện, vật dụng để dập lửa khi đám cháy mới bùng phát. Các tổ được trang bị máy cày, bình xịt động cơ, bình chứa nước, can đựng nước, phương tiện đi lại, phương tiện thông tin… bảo đảm cho việc phòng, chống cháy rừng và dập lửa khi đám cháy mới bùng phát.

Ông Lê Minh Thuần, Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng cho biết: Ngoài lực lượng trong biên chế và hợp đồng, nếu có tình huống cháy xảy ra, BQL có thể huy động hàng trăm người dân, cùng lực lượng dân quân các xã, bộ đội các đồn biên phòng trên địa bàn tham gia chữa cháy; kể cả huy động một số phương tiện, máy móc nông cụ của người dân tham gia chữa cháy.

Được biết, mùa khô trước (năm 2009-2010), ở rừng phòng hộ đã xảy ra 2 vụ cháy trảng cỏ và rừng trồng, tuy nhiên do phát hiện sớm nên đám cháy đã kịp thời được dập tắt, thiệt hại không đáng kể. Bước vào mùa khô 2010-2011 này, tuy cấp độ báo cháy đã lên đến cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, nhưng với sự chuẩn bị khá chu đáo, cùng với những kinh nghiệm trong nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên BQL kiểm soát được địa bàn rừng, không để xảy ra cháy trên diện rộng. Hy vọng, mùa khô năm nay, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng vẫn giữ được bình yên, để không phụ công sức của đội ngũ cán bộ quản lý, bảo vệ đang ngày đêm canh giữ tài sản vô giá của quốc gia, một phần lá phổi trái đất trên quê hương Tây Ninh.

KHẮC  LUÂN