Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Sở Công thương, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đều gặp khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị gián đoạn.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ giảm
Theo UBND tỉnh, trong tháng 4.2020 doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 4.130 tỷ đồng, giảm 9,3% so với tháng trước. Tổng thu du lịch ước đạt 19 tỷ đồng, giảm 6,9% so cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, hoạt động thương mại, dịch vụ thời gian qua diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình, có nhiều thời điểm người dân đổ xô mua hàng để dự trữ dẫn đến doanh số tăng cao đột biến nhưng đến tháng 4.2020, sức mua và doanh thu bị giảm nhiều, tình hình kinh doanh không ổn định.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất giày.
Ngoài ra, lượng khách trung bình của quý I năm 2020 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giá trị hóa đơn tăng cao hơn, người dân đang hạn chế đến siêu thị nhưng mua hàng hóa nhiều hơn để tích trữ; kênh mua hàng qua điện thoại, online, giao hàng tận nhà tăng trưởng hơn so với cùng kỳ. Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm công nghệ vẫn tăng trưởng nhưng 2 nhóm hàng may mặc và đồ dùng gia đình sụt giảm nhiều.
Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất
Do dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động xấu đến tất cả các ngành, lĩnh vực khiến cho kinh tế, xã hội của tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong lĩnh vực chế biến đường, hiện Nhà máy đường TTC có công suất lớn như Đường Nước Trong, Biên Hòa-Tây Ninh không hoạt động niên vụ. Tuy nhiên, nhà máy chỉ sản xuất, còn sản lượng chế biến tiêu thụ do tập đoàn điều tiết kinh doanh, do vậy công ty không nắm được lượng đường tồn kho tại nhà máy chế biến.
Hơn nữa, tại các nhà máy chế biến đường đang thiếu nguyên liệu sản xuất và tình hình tiêu thụ chậm, nên doanh nghiệp điều chuyển sản lượng sản xuất giữa các nhà máy trong cùng tập đoàn đồng thời dần chuyển sang loại sản phẩm khác tiêu thụ mạnh hơn như sản xuất sản phẩm đường lỏng.
Chế biến cao su ở một nhà máy cao su trên địa bàn huyện Tân Châu.
Trong lĩnh vực chế biến củ mì, ở thời điểm hiện tại đã có nhiều nhà máy ngưng hoạt động do không có nguyên liệu đầu vào, từ Campuchia không nhập về được; xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn khó khăn do tình hình dịch bệnh cũng như hàng hóa ùn ứ do thông quan chậm. Hiện tại, lượng bột tồn kho của một số nhà máy như: Công ty TNHH XNKTM CNDV Hùng Duy, Công ty TNHH MTV Định Khuê, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại GNG tổn khoảng 12.200 tấn.
Trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, phần lớn các nhà máy cao su không có sản phẩm tồn kho vì chưa vào vụ chế biến; hiện chỉ có Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên tồn kho khoảng 2.300 tấn do gặp khó khăn trong tiêu thụ đầu ra. Nhìn chung, sản phẩm cao su là nguồn nguyên liệu xuất khẩu dễ hơn nhưng hơi chậm.
Theo Sở Công thương, hiện tại chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 4 so tháng trước giảm 1,35%; so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 0,19% vì mặc dù khối lượng sản xuất giảm nhưng với các doanh nghiệp có quy mô lớn thì nhu cầu tuyển dụng thêm lao động vẫn rất cần thiết để duy trì sản xuất; cộng dồn so cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động của nhóm ngành khai khoáng giảm 18,8%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,4%; ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 5,63% do có bổ sung thêm năng lực mới.
Nhìn chung, trước ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều giảm chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bởi ảnh hưởng cả nguồn đầu vào và đầu ra và mức độ giảm nhiều hay ít lại tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Đơn hàng xuất cho các đối tác nước ngoài giảm hẳn, sức tiêu thụ nội địa cũng chững lại, người lao động giảm thời gian làm việc...
Hiện tại, đa số các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại không có đủ nguyên liệu, họ không chủ động nguyên liệu trong thời gian dài do không đủ nguồn vốn và chủ yếu là gia công nên nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào khách hàng, nguồn nguyên liệu chỉ có thể bảo đảm nhiều nhất là trong vòng một tháng tới; một số doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, số khác lại bị hủy đơn hàng, một số đến thời điểm hiện tại không có nguyên liệu để sản xuất đã tạm ngừng hoạt động cho công nhân tạm nghỉ việc hưởng 70% tiền lương cơ bản để không phải đóng BHXH; số doanh nghiệp còn lại còn đơn hàng nhưng nguồn nguyên liệu không đảm bảo phải cắt giảm lao động, không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm hoặc cho nghỉ việc luân phiên, nghỉ phép năm để bảo đảm người lao động có thu nhập.
Như vậy, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì khả năng chỉ số sản xuất của tỉnh sẽ còn giảm hơn nữa trong thời gian tới, bởi vì nguyên vật liệu mặc dù đủ sản xuất trong khoảng 1-2 tháng tới, thậm chí có doanh nghiệp có thể bảo đảm được nguyên liệu trong vòng 3- 4 tháng nữa nhưng nếu thị trường xuất khẩu của Mỹ và Châu Âu… tạm đóng cửa không cho trao đổi thương mại thì doanh nghiệp có thị trường chủ yếu ở các khu vực này cũng phải ngưng sản xuất vì hàng làm ra không xuất đi được.
Quý I.2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp mở tờ khai trong tỉnh ước đạt 975,3 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm hàng dệt may; vải các loại, xơ, sợi dệt các loại; giày, dép các loại. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của tỉnh với kim ngạch đạt 361,2 triệu USD; tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 138,9 triệu USD, trong đó Campuchia đạt 85,7 triệu USD; Trung Quốc đạt 113 triệu USD, thị trường EU đạt 70,3 triệu USD, Nhật Bản đạt 54,7 triệu, Hàn Quốc đạt 23,9 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 661,9 triệu USD. Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 247,2 triệu USD, tiếp theo là thị trường ASEAN với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 109,6 triệu USD; trong đó thị trường Campuchia ước đạt 70,3 triệu USD, Hàn Quốc 50,5 triệu USD, Đài Loan 44 triệu USD, thị trường EU ước đạt 38 triệu USD.
Để khắc phục những khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc phấn đấu bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất về số thu ngân sách Nhà nước. Tây Ninh hiện đang huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opMart thành phố Tây Ninh.
Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường. Sớm chuẩn bị phương án thực hiện triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng có phương án báo cáo, phối hợp để nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp hàng hóa tồn đọng, tồn kho do dịch bệnh Covid-19 tại các nước xuất khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước với giá thấp, nhằm đảm bảo cạnh tranh trong nước và năng lực sản xuất nội địa.
Tiếp tục tăng cường, duy trì làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cặp nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ Công thương cũng như của UBND tỉnh.
Nhi Trần