BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động tích nước và điều tiết nước hồ Dầu Tiếng năm 2009: Đối mặt với rất nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 13/07/2009 - 11:03

Hồ Dầu Tiếng xả nước qua đập tràn

Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 20 năm qua, nên quy trình tích nước và điều tiết, vận hành nước tưới ở hồ đã trở thành “bài bản”. Tuy nhiên, năm nay lại có những diễn biến ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thuỷ lợi này. Trong đó đáng kể nhất là thời tiết được dự báo phức tạp bất thường, cộng thêm công tác nâng cấp một số hạng mục liên quan trực tiếp đến hồ nên công việc tích và điều tiết nước hồ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hồ Dầu Tiếng thì trong 6 tháng đầu năm 2009 hồ Dầu Tiếng đã tiến hành nhiều đợt xả nước với khối lượng lên đến hàng trăm triệu mét khối nước. Nguyên nhân do những tháng đầu năm 2009 có nhiều cơn mưa trái mùa, đồng thời mùa mưa năm nay đến rất sớm. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Tây Ninh thì năm nay thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường, mùa mưa đến sớm- vào cuối tháng 4 và lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Hằng năm, lượng mưa ở Tây Ninh vào khoảng từ 1.800 đến 2.000 mm. Thế nhưng năm nay, mới đến cuối tháng 6 mà lượng mưa trung bình đã đạt hơn 1.000 mm. Do đó, lượng nước về hồ tăng khá nhanh. Mới đến giữa tháng 6 mà mực nước trong hồ đã cao hơn so với cùng kỳ đến 2 mét. Rất hiếm khi hồ Dầu Tiếng phải xả nước trong mùa khô, nhưng trong mùa khô năm nay, Công ty TNHH 1 TV KTTL Dầu Tiếng đã phải xả qua đập tràn nhiều đợt với lưu lượng 200 mét khối/giây để bảo đảm quy trình tích nước theo quy định. Việc xả nước để đảm bảo đúng quy trình tích nước là cần thiết, vấn đề khó khăn của Công ty là phải tính toán như thế nào để vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tích đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, lại vừa đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với cư dân vùng hạ du.

Ngoài nỗi lo về thời tiết phức tạp, bất thường, hồ Dầu Tiếng còn gặp khó khăn về công việc nâng cấp hiện đại hoá theo dự án VWRAP. Lãnh đạo Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng cho biết, thực hiện dự án VWRAP ở khu vực hồ Dầu Tiếng gồm có 7 gói thầu nâng cấp đập, các cống dẫn dòng bảo đảm an toàn hồ chứa. Đến nay khu vực hồ Dầu Tiếng cơ bản hoàn thành được 5 gói thầu, còn lại 2 gói đang triển khai, trong đó có hạng mục nâng cấp 2 cống dẫn dòng trên bờ đập. Muốn nâng cấp cống dẫn dòng phải hạ mực nước trong hồ xuống mức nước chết ở cao trình 17 mét vào tháng 7. Mực nước tháng 6 đã ở cao trình hơn 20 mét mà phải hạ xuống còn 17 mét chỉ trong vòng 1 tháng thì lượng nước phải xả khỏi hồ khá lớn, chắc chắn không tránh khỏi thiệt hại cho cư dân vùng hạ du. Điều này buộc Công ty phải tính toán như thế nào, để vừa có thể hạ được mực nước trong hồ theo yêu cầu nâng cấp cống dẫn dòng, lại vừa đảm bảo trong mấy tháng còn lại của mùa mưa hồ phải tích lại đầy nước theo thiết kế.

Khó khăn không chỉ có vậy. Năm 2009 dự án VWRAP tiếp tục thực hiện nâng cấp 2 kênh chính Đông và Tây. Để có thể triển khai thi công nâng cấp các công trình huyết mạch của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng bắt buộc sẽ phải cắt nước- nhất là trong giai đoạn nâng cấp lòng kênh. Theo thông báo của Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng thì thời gian cắt nước từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 12. Những năm trước, trong mùa mưa, lượng nước trong hồ được xả thường xuyên qua 2 cống dẫn dòng về 2 tuyến kênh chính, khi vượt cao trình quy định sẽ xả qua đập tràn. Năm nay- từ tháng 8 đến tháng 12, lượng nước trong hồ không còn xả qua đường 2 kênh chính được nữa do trong thời gian thi công

Mưa nhiều, lượng nước về hồ Dầu Tiếng tăng

mà hầu như toàn bộ lượng nước dư phải xả qua đập tràn xuống sông Sài Gòn. Do đó, lượng nước xả qua đập tràn năm nay sẽ nhiều hơn mọi năm và cư dân vùng hạ du có khả năng sẽ bị thiệt hại nhiều hơn mọi năm. Đây là một khó khăn nữa buộc Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng phải tính toán sao cho vừa đảm bảo quy trình tích nước, vừa đảm bảo thi công đúng tiến độ trên 2 tuyến kênh chính, lại vừa đảm bảo lượng xả thế nào giảm thiểu thiệt hại cho dân vùng hạ du.

Đối mặt với nhiều khó khăn như thế, nỗi lo lớn nhất đối với Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng vẫn là yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng nếu như có mưa bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực hồ. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Tây Ninh thì năm nay số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông nhiều hơn trung bình nhiều năm, và càng về cuối mùa mưa, bão có xu hướng chuyển về phía Nam, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hồ. Trong năm nay, vừa phải đảm bảo tích đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ, vừa đảm bảo thi công nâng cấp đúng tiến độ 2 kênh chính, lại vừa đảm bảo giảm thiểu gây thiệt hại cho cư dân vùng hạ du. Rõ ràng “bốn mặt của một vấn đề” trên, thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn của Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng.

SƠN TRẦN