Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học ăn- không đơn giản

Cập nhật ngày: 10/08/2010 - 11:06
HTML clipboard

Sau chuyến thăm nội ở thành phố, bà xã tôi đưa con trở về để chuẩn bị vào năm học mới. Thằng bé gặp ai cũng kể líu lo với vẻ mặt thoả mãn. Chẳng là nó được mấy cô chú đưa đi khắp, nào là đi siêu thị mua robot mãnh thú, đi cưỡi voi ở Đầm Sen, vào lâu đài kinh dị… Ấn tượng nhất của thằng bé là “Ngày chủ nhật của em” do Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức định kỳ tại công viên Tao Đàn. Ngày này, các bé được các anh chị tổ chức chơi các trò khéo tay, chơi cờ, múa hát, tô tượng… Riêng mẹ cháu thì lại than phiền với tôi về cái nết ăn uống tự do của nó. Vào bữa là chỉ biết cắm đầu ăn vội rồi buông đũa, không có một lời mời. Mẹ nó thấy mắc cỡ với nhà nội về việc dạy con.

Học sinh tiểu học bán trú ăn trưa

Tôi giật mình, đúng là chưa có ai dạy cho thằng bé về cách ăn. Nó học bán trú, cơm trưa tại trường. Vì là bạn cùng lớp cả nên vào bàn thì “mạnh đứa nào đứa nấy chén”, có mời ai đâu. Cháu chỉ ở nhà thứ bảy và chủ nhật. Ở nhà, cháu luôn là người ăn cơm trước một mình, bởi giờ nó ăn là mọi người đang còn tất bật nên cũng chẳng phải mời ai. Tôi bảo với bà xã rằng, con mình nó không có lỗi đâu. Từ nay, chúng ta phải quan tâm hơn cách ăn uống của nó. Quan sát, tôi thấy đúng là cái nết ăn của con trai tôi cần được điều chỉnh. Ăn thì tốc độ. Ngon miệng thì làm tới. Cô giáo đã báo động nó thừa cân, cũng may chưa tới ngưỡng béo phì. Vậy là phải có kế hoạch giảm cân và kết hợp với việc dạy cho nó cách ăn uống, biết mời chào, xin phép mọi người trước khi ăn.

Chuyện ăn uống nghe thì đơn giản nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, đồng thời còn góp phần hình thành nhân cách của một con người. Thật ra trong nhà trường, ngay từ lớp mầm non, các cháu học sinh đã được dạy về cách thức ăn uống, vệ sinh. Song một hiện tượng các trường cần quan tâm là “tốc độ” ăn của trẻ. Cần dạy cho trẻ biết nhai kỹ thức ăn, không nên khuyến khích “ăn đua”, ăn quá nhanh, nhai không kỹ sẽ ảnh hưởng đến tiêu hoá. Giáo viên cũng cần quan tâm đến những trẻ có thói quen ăn quá chậm để giúp các em sửa dần. Trong chương trình môn Giáo dục công dân lớp 6 có một bài học nhắc đến cách ăn: “Khi ăn cơm, Hà không ăn vội vàng, mà từ tốn nhai kỹ” (trang 5). 

Ông bà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Bốn sự học này góp phần hoàn thiện tính cách của con người. Trong bốn cái học, không phải ngẫu nhiên mà “học ăn” được nêu trước hết. Tuy rằng cái ăn là chuyện thường ngày của con người nhưng càng nghiệm chúng ta càng thấy sự học thứ nhất này rất thâm thuý. Nói đến “ăn”, ông bà ta có dạy rằng: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Có người bảo: Ăn là nhu cầu, là hoạt động, là việc cần làm trước tiên đối với con người, là một kỹ năng sống cần chú trọng trong công tác giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho trẻ. Trong xu thế hội nhập, không chỉ các em, các cháu mà cả người lớn chúng ta cũng cần phải học, học nữa.

VŨ HỒNG