Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học Bác để trở thành giáo viên dạy tốt 

Cập nhật ngày: 28/06/2020 - 13:02

BTNO - Gần 18 năm gắn bó nghề giáo, với lòng yêu nghề, sự say mê, nhiệt huyết trong công việc, cô Lý Thị Cẩm Nguyên (sinh năm 1981, giáo viên Trường THCS Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ấn tượng đầu tiên về cô là sự năng nổ, hoạt bát, giản dị và gần gũi. Cô Nguyên kể, cô sinh ra trong gia đình nông dân, sớm thẩu hiểu được sự vất vả của ba mẹ, nên từ nhỏ chị em cô luôn tự giác trong học tập, vừa học vừa làm phụ giúp gia đình. Cô nữ sinh không ngừng phấn đấu học tập, luôn là một học sinh giỏi.

Cô giáo Lý Cẩm Nguyên.

Với nỗ lực trong học tập, cô Nguyên thi đậu cùng lúc vào hai trường Đại học Kinh tế và Cao đẳng sư phạm Tây Ninh. Vốn từ khi còn là học sinh cô gái nhỏ đã có ước mơ lớn lên trở thành cô giáo, niềm đam mê đó đã đưa cô đến với ngành sư phạm khi quyết định theo học tại Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý, cô về công tác tại Trường THCS Lợi Thuận từ đó cho đến nay.

Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô Nguyên cho biết, may mắn là cô có khởi đầu khá thuận lợi, bắt nhịp nhanh với việc đứng lớp giảng dạy. Cũng nhờ khi còn ở mái trường sư phạm cô đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn, có dịp tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ, nó giúp cô trở nên dạn dĩ hơn, không còn e dè, hồi hộp khi đứng trước đông học sinh. Cho nên về việc tiếp xúc, giao tiếp với học trò, truyền đạt kiến thức cô không gặp khó khăn.

Mặc dù thuận lợi nhưng khó khăn với cô cũng không ít. Thời điểm đó, đồng lương giáo viên còn thấp, không ít giáo viên trẻ cùng thời điểm với cô Nguyên phải bỏ nghề, vì không đủ trang trải cuộc sống. Nhà cô Nguyên ở huyện Gò Dầu, đi dạy xa nhà, cô ở lại khu tập thể giáo viên, chật vật xoay xở với khoản thu nhập ít ỏi.

Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, cô Nguyên quyết tâm bám trụ với nghề, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Hồi những năm đó, đời sống của nhiều người dân ở xã Lợi Thuận còn nghèo khó, vất vả. Chứng kiến những khó khăn của những em học sinh nơi đây, cô cảm thấy đồng cảm, thương học trò, càng thôi thúc cô hoàn thành tốt nhiệm vụ, dìu dắt thế hệ học trò đến với những kiến thức mới mẻ để các em có nhận thức, tương lai tốt hơn.

Trong quá trình giảng dạy, cô Nguyên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng của mình. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Nguyên đã yêu thích môn vật lý, vì cô cho rằng môn học này tuy khô khan nhưng rất hữu ích cho cuộc sống. Chính bởi lẽ đó, khi bắt tay vào giảng dạy môn vật lý, cô Nguyên luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi phương pháp truyền đạt để khiến các em học sinh quan tâm, tiến bộ trong môn học này.

Năng nổ, linh hoạt, cô Nguyên đảm nhận cùng lúc nhiều công việc (giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội…) và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không những giỏi chuyên môn, cô còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động tập thể, phong trào chung của trường, ngành, ở địa phương phát động. Ngoài ra, cô thường tìm đọc, tích cực tham gia các hội thi kể chuyện về Bác Hồ. Theo lời cô Nguyên, qua những câu chuyện về Bác Hồ, cô học ở  Bác ý chí vượt khó, kiên trì trong mọi công việc.

Từ việc học tập Bác, cô cố gắng vượt khó, khắc phục khó khăn, nỗ lực hết mình trong công việc, lấy học sinh làm mục tiêu phấn đấu. Trong giảng dạy, cô luôn tạo không khí học tập vui, thoải mái. Nhưng khi nào cần nghiêm khắc, cô sẽ nghiêm khắc để có thể uốn nắn, rèn luyện, giáo dục các em. Cô cũng thường xuyên gần gũi tâm sự, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của các em học sinh, để có thể hướng dẫn, giúp đỡ các em kịp thời.

Cô Nguyên dạy con gái học.

Cô Nguyên chia sẻ, công việc nào cũng có khó khăn, niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhưng với phương châm sống “luôn suy nghĩ tích cực, mỗi ngày chọn một niềm vui” đã giúp cô luôn vui vẻ, lạc quan. Niềm vui của cô là sự yêu quý của học sinh dành cho mình. Còn động lực trong công việc của cô là nhìn học trò tiến bộ trong học tập.

Tính đến nay, Cô Nguyên có gần 18 năm gắn bó với nghề giáo, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, cô Nguyên đã gặt hái được nhiều thành tích như đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở liên tục nhiều năm, được UBND tỉnh tặng bằng khen, cùng với nhiều giấy khen trong các phong trào. 

Không chỉ là một giáo viên tận tuỵ với nghề, cô Nguyên còn được biết đến phụ nữ giỏi giang, tháo vát, nuôi dạy con ngoan. Từ cuộc sống còn nhiều khó khăn, cô cùng với người chồng của mình chèo lái con thuyền gia đình vượt qua tất cả khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định. Cô Nguyên cho biết thêm, cũng nhờ học lối sống giản dị và tiết kiệm từ Bác Hồ, cô đã áp dụng bài học vào cuộc sống của gia đình mình, bằng việc sống tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không hoang phí.

Nhờ khéo léo, chi tiêu hợp lý, cô Nguyên đã vượt qua được thời kỳ khó khăn, vun vén cho tổ ấm của mình. Mặc dù hiện giờ cuộc sống của gia đình cô đã khá hơn trước, nhưng cô vẫn giữ lối sống giản dị, tiết kiệm. Trong việc nuôi dạy con cái, cô Nguyên cũng rất nghiêm, tạo cho con thói quen sống theo nề nếp.

Bên cạnh đó cô cũng là người mẹ hiền, người bạn, lắng nghe chia sẻ mọi điều với con. Nhờ vậy, hai đứa con gái của cô đều chăm ngoan, vâng lời ba mẹ. Trong thời gian qua, cô Nguyên còn thường xuyên tham gia các phong trào phụ nữ ở địa phương, thực hiện tốt Cuộc vận động Gia đình 5 không 3 sạch của Hội phát động, để tiếp tục xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Thế Anh