Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022:
Học lực giỏi, khá mới được vào y khoa, sư phạm
Thứ tư: 01:15 ngày 05/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học tối thiểu 8,0 điểm trở lên; các ngành khác tối thiểu 6,5 điểm trở lên.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. So với những năm trước, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 có nhiều nội dung mới, không chỉ quy định về tuyển sinh hệ chính quy, các hệ đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương cũng được hướng dẫn cụ thể.

Tổ chức tuyển sinh là nội dung trọng tâm của quy chế năm nay. Theo tinh thần đó, việc tổ chức tuyển sinh được chia làm hai nhóm: nhóm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh và nhóm không sử dụng kết quả của kỳ thi này.

Y khoa - trung bình môn phải từ 8 điểm trở lên

Quy chế quy định, nếu cơ sở đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, xét tuyển thì phải xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành.

Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là các bài thi; các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội là môn thi. Cơ sở đào tạo căn cứ hướng dẫn xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT để quy định cụ thể, công bố công khai điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào ngành học theo quy chế.

Các cơ sở đào tạo có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phải ghi rõ trong đề án tuyển sinh. Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển, phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh hoạ, phải thực hiện quy trình xét tuyển đúng quy chế (có hướng dẫn cụ thể).

Trường hợp cơ sở đào tạo không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì thực hiện các quyền và nhiệm vụ theo quy định. Cụ thể, nhà trường lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và thông báo thí sinh trúng tuyển, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của cơ sở đào tạo khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm ngành.

Những trường không áp dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh phải bảo đảm các yêu cầu: công bố đề án tuyển sinh đúng quy định, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; bảo đảm công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp), công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

Các cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo thực hiện kết hợp các phương thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 trong quy chế phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức.

Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu cơ sở đào tạo sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập THPT được ghi trong học bạ do hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp hoặc trong học bạ/bảng điểm về việc học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn cấp cho người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và/hoặc với điểm của cơ sở đào tạo tổ chức sơ tuyển, thi tuyển, phải bảo đảm chất lượng điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT theo quy định.

Cụ thể, điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của cơ sở đào tạo tối thiểu bằng điểm trung bình cộng tổ hợp các bài thi/môn thi theo ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.

Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển được quy định như sau: Nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học tối thiểu 8,0 điểm trở lên; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu 6,5 điểm trở lên.

Đối với ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 điểm trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khoẻ Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia, quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế hoặc có điểm thi năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9 điểm trở lên theo thang điểm 10) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5 trở lên.

Ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật tối thiểu là 6,5 điểm trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển có điểm thi năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9 trở lên theo thang điểm 10) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5 điểm trở lên. Xét tuyển trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non sử dụng kết quả học tập THPT, điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển tối thiểu là 6,5 điểm trở lên.

Trường hợp xét tuyển từ điểm sơ tuyển, thi tuyển do cơ sở đào tạo tổ chức với điểm thi tốt nghiệp THPT và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phải thực hiện theo quy định (có hướng dẫn cụ thể) theo chế này. Các cơ sở đào tạo có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm nhưng phải công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 quy định cụ thể về chính sách đào tạo theo đơn đặt hàng. Chính sách này thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Theo tinh thần này, tuyển sinh do các chủ thể khác đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thực hiện theo hợp đồng giữa các bên liên quan, không trái với quy định của pháp luật. Văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc thoả thuận giữa các bên và các thông tin liên quan phải được đưa vào thành phụ lục của đề án tuyển sinh.

Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh. Điểm trúng tuyển (đào tạo theo đơn đặt hàng) không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, trừ khi bảo đảm đồng thời các điều kiện sau đây thì có thể thấp hơn (không quá một điểm) so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo tính theo thang điểm 30.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên và học 3 năm cấp THPT tại địa phương, cam kết làm việc tại tỉnh sau khi tốt nghiệp. Chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng chịu trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng và xã hội về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.

Việt Đông

Đào tạo liên thông

Tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, quy chế quy định, người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên và bằng tốt nghiệp THPT; người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học, theo quy chế, đối tượng tuyển sinh là người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT; người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành; người có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên.

Tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; riêng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào được quy định trong quy chế này (có hướng dẫn cụ thể).

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục