Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chỉ một ngày sau khi công bố dự thảo tăng học phí, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã rút lại đề xuất này. Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Bộ cho biết, có hai lý do khiến Bộ rút lại dự thảo nghị định, đó là do tình hình kinh tế khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 và thiên tai hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước.
Học sinh Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh). Ảnh: Hồng Thu
Những ai theo dõi thời sự của ngành Giáo dục sẽ thấy, việc Bộ công bố đề xuất tăng học phí là không sai. Vì Nghị định 86 (liên quan đến chế độ học phí) ban hành năm 2015 chỉ áp dụng trong thời gian 5 năm, kết thúc năm học 2020-2021 là nghị định này cơ bản không còn hiệu lực hoặc nếu tiếp tục áp dụng thì phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 chỉ tồn tại được một ngày và thông tin sau đó cho biết, phải đến năm học 2022-2023, chế độ học phí mới được xem xét. Như vậy, trong hai năm học tới, học sinh, sinh viên chỉ phải đóng học phí theo quy định có từ năm 2015. Quyết định kéo dài thời hạn áp dụng Nghị định 86 được dư luận hoan nghênh vì phù hợp với tình hình thực tế khó khăn của người dân.
Thực ra, theo quy định hiện hành, cụ thể là Nghị định 86, mức học phí ở tất cả các cấp, bậc học, bao gồm cả giáo dục đại học, không cao. Trong đó, giáo dục mầm non, phổ thông, mức học phí có thể nói là thấp. Tổng học phí trong một năm học thậm chí không bằng số tiền mua một cái thẻ bảo hiểm y tế.
Ðã nhiều lần, HÐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát tình hình thu chi các khoản trong nhà trường và kết quả cho thấy, học phí chỉ chiếm 11% trên tổng số tiền học sinh phải đóng trong một năm học. Ðiều này không thể gọi là bình thường, vì theo quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi qua nhiều giai đoạn và cả hiện nay), học phí là khoản đóng góp quan trọng, bắt buộc đối với học sinh, trừ học sinh tiểu học. Mặc dù là khoản đóng góp chính nhưng học phí không phải là nguồn thu lớn nhất của cơ sở giáo dục. Vậy, điều gì khiến chi phí học tập của học sinh ngày càng tăng? Ðó chính là tình trạng lạm thu trong nhà trường.
Lạm thu là câu chuyện không mới, vì điều này đã tồn tại hàng chục năm nay. Có vô số khoản thu trong nhà trường, và những khoản thu bắt buộc lại thấp hơn nhiều các khoản thu “tự nguyện”. Ngay ở cấp tiểu học, theo luật, học sinh không phải đóng học phí, tức trên lý thuyết, học sinh được Nhà nước bao cấp toàn bộ, từ cơ sở vật chất cho đến tiền lương của giáo viên. Ở cấp học này và cả bậc học mầm non, cần phân làm hai nhóm trường, nhóm bán trú và nhóm không bán trú.
Những trường bán trú, gia đình người học đóng tiền để nhà trường thực hiện dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, là đúng. Nhưng với những trường chưa tổ chức bán trú, học sinh vẫn phải đóng nhiều khoản tiền khác nhau, trừ học phí. Có phần lớn các gia đình có con đang học cũng dễ dàng “cảm nhận” được gánh nặng học hành của con em mình, bởi quá nhiều khoản đóng góp.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay còn tồn tại. Mức thu học phí, theo quy định tại Ðiều 4 của Nghị định 86 thì khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông như sau: “khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 được quy định như sau:
Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thông báo. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Ðiều này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hằng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định.
Việc miễn, giảm học phí đối với người học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí theo quy định áp dụng mức miễn, giảm theo mức học phí quy định đối với các chương trình giáo dục đại trà của các trường công lập trên cùng địa bàn. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn”. Mức thu học phí như trên, không thể nói là cao, thậm chí thấp, đó còn chưa kể đến đồng tiền mất giá do lạm phát.
Học sinh Trường tiểu học Phước Vinh A, huyện Châu Thành.
Tình trạng lạm thu gây ra những hệ luỵ không đáng có, khắc sâu thêm xu hướng phân hoá xã hội về thu nhập và mức sống giữa các hộ gia đình, tạo ra những cảm xúc tiêu cực về giáo viên và nhà trường trong một bộ phận phụ huynh và học sinh… từng bước bào mòn lòng tin của xã hội vào thiết chế giáo dục công lập.
Việt Ðông