Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Học sinh Bỉ đội nón lá, giơ biển virus corona khiến MXH châu Á bức xúc
Thứ năm: 09:05 ngày 12/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cộng đồng mạng châu Á hiện lên án dữ dội và kêu gọi tẩy chay hành vi được cho là phân biệt chủng tộc của nhóm học sinh trường Sint-Paulus Campus College Waregem ở Bỉ.

Trong bức ảnh gây phản ứng giận dữ trong cộng đồng mạng châu Á, 19 học sinh trường cấp 2 Sint-Paulus Campus College Waregem (trường học cho người Hà Lan ở Bỉ) mặc trang phục truyền thống Trung Quốc và đội nón lá, trong đó có 2 người diện đồ hóa trang gấu trúc.

Điều đáng chú ý là nhóm học sinh tươi cười tạo dáng với tấm biển ghi dòng chữ “Corona Time” (tạm dịch: Thời của corona). Một nữ sinh ở hàng giữa thậm chí dùng hai tay kéo khóe mắt - cử chỉ được xem là mang tính xúc phạm và chế giễu người gốc Á, theo Independent.

Tấm biển đề cập tới virus corona còn kèm theo hình vẽ một người đeo khẩu trang.

Bức ảnh xuất hiện trong bối cảnh chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến 100.000 người bị nhiễm trên toàn cầu.

Zing.vn đã liên hệ tới Sint-Paulus Campus College Waregem nhưng chưa nhận được câu trả lời. Hiện trường này đã khóa trang Facebook và Instagram chính thức.

Bức ảnh của học sinh trường cấp 2 ở Bỉ khiến cộng đồng mạng bức xúc. Ảnh: FB.

Trước đó, trường Sint-Paulus Campus College Waregem đã đăng tải bức ảnh lên trang Instagram và Facebook, nhưng đã gỡ bỏ sau đó mà không lên tiếng giải thích hay đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan tới vụ việc.

Instagram của trường cũng được thay đổi từ chế độ công khai sang riêng tư kể từ khi hình ảnh gây nên sự phẫn nộ cho cư dân mạng.

Broodje Kaas Met Sambal - một nhóm nâng cao nhận thức và giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á ở Hà Lan - đã đăng lại bức ảnh trên Instagram và lên án trường học Bỉ vô trách nhiệm.

Nhóm tuyên bố hình ảnh được chính nhà trường đăng tải trên các trang mạng xã hội của mình.

“Họ sau đó đã âm thầm xóa các bức ảnh. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn không giải quyết được vấn đề và một lần nữa cho thấy cần phải xử lý vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong giáo dục đến thế nào”.

“Là một tổ chức giáo dục, trường có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai. Việc họ chấp nhận hành vi này, thậm chí tự quảng bá trên các kênh truyền thông của mình là vô trách nhiệm và thật sự có vấn đề”, nhóm này nói thêm.

Bức ảnh cũng được nhiếp ảnh gia Rui Jun Luong ở thành phố Rotterdam (Hà Lan) đăng lại.

“Không thể tin được. Làm thế nào một trường học có khẩu hiệu ‘Trái tim ấm áp, cái nhìn tươi mới, tâm trí cởi mở’ có thể phê duyệt và xuất bản bài viết cho thấy học sinh tạo dáng như vậy”.

Bà Luong nói thêm: “Đây là một cuộc tấn công, không thể coi là trò đùa. Đó chính là sự phân biệt chủng tộc, chế giễu văn hóa của người châu Á chúng tôi và không hề vui chút nào”.

Bức ảnh cũng gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn mạng. Trong khi một số ít coi đó là “trò đùa”, đa số dân mạng lên án hành vi này là “rác rưởi” và “thiếu tôn trọng”.

“Đó là hành động phân biệt chủng tộc dữ dội. Như thường lệ, người ta sẽ dung túng hành vi như thế bằng lời ngụy biện ‘chỉ là một trò đùa’", một dân mạng viết.

Một người khác nói: “Chúng tôi cảm thấy đây là một sự xúc phạm, không hề buồn cười chút nào. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người châu Á và được gắn với từ ‘corona’ xem có dễ chịu không?”.

Nguồn Zing

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục