Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học sinh giỏi không chọn sư phạm, bởi vì đâu?
Chủ nhật: 22:37 ngày 20/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những năm qua, so với các ngành khác thì điểm vào các trường đại học và cao đẳng sư phạm là thấp, đặc biệt năm nay. Thấp đến nỗi có trường cao đẳng tuyển sinh dưới 10 điểm ba môn.


Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu ngành nghề, thông tin xét tuyển của các trường ĐH trong Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2017 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG.

Đây chính là một biểu hiện về sự xuống cấp giá trị của ngành sư phạm và giống như hiện tượng ngành sư phạm những năm 1980 trước đây: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Thực tế hiện nay học sinh học lực khá giỏi không mặn mà với ngành sư phạm vì nhiều lý do.

Học mà không được dạy, học để làm gì?

Trước hết, không thể nói do lương thấp mà không chọn. Vì ngành sư phạm hay bất cứ ngành nào ăn lương nhà nước thì mặt bằng lương hiện nay đều tương đương nhau.

Lý do cơ bản và quyết định chính để học sinh khá giỏi không chọn ngành sư phạm là sau khi ra trường khó xin việc làm, không có chỗ dạy.

Học sư phạm là để được dạy, song khi ra trường lại không được dạy, đây đúng là nỗi bất hạnh lớn. Và thực tế đáng buồn hiện nay là muốn được dạy dẫu là hợp đồng thì phải chạy vạy, xin xỏ hết cửa này đến cửa khác. Còn để được vào công chức thì còn khó hơn thế nữa. Cho nên học mà không được dạy thì học để làm gì? 

Lý do này là do đầu vào không cân xứng với đầu ra. Đó là đào tạo nhiều mà số lượng tuyển chọn quá ít. Vì quá ít nên ra trường thất nghiệp, vì thế học sinh khá giỏi không chọn vào ngành sư phạm là lẽ đương nhiên.

Học sinh bây giờ quá khó dạy

Lý do thứ hai không kém tầm quan trọng là học sinh bây giờ khó dạy. Khó dạy ở chỗ vì nhà trường bây giờ quá dân chủ, quá bình đẳng cho nên trò coi thường thầy, không tôn trọng thầy. Thầy nói, thầy dạy trò không nghe và còn có những hành vi vô lễ, mất dạy.

Học sinh chây lì, học cho có, không học, thậm chí vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm đạo đức của học sinh rồi cuối cùng cũng lên lớp. Và chính bản thân những em học sinh khá giỏi, có lương tâm trách nhiệm với nghề nghiệp, khi ngồi trong ghế nhà trường đã thấy hiện tượng này rồi.

Thấy trò hỗn với thầy, thấy bạn không học, quậy phá, thầy nói không được, bảo không nghe mà còn có thái độ, hành vi vô phép, bạo lực, chưa kể những phụ huynh nghe một phía từ con rồi có những biểu hiện, thái độ không hay về thầy.

Chính các em cũng khổ tâm cùng thầy về những bạn học như thế nên các em đã có cái nhìn không tốt về nghề dạy thì làm gì say mê, "ham hố" chọn ngành sư phạm được. Vấn đề này bắt nguồn từ bệnh thành tích quá nặng nề đến mức trầm kha ở ngay mỗi trường học.

Khó kiếm sống chính đáng, hình ảnh người thầy bị méo mó 

Thứ ba là khi ra trường nếu được dạy thì muốn dạy thêm để cải thiện đời sống một cách chính đáng, bằng sức lao động của mình cũng gặp bao phiền toái, nhiêu khê từ phía nhà trường, cấp trên, chính quyền địa phương, kể cả xã hội. Vậy thì còn đâu hưng phấn để các em chọn nghề giáo?

Và còn một vấn đề nữa là hiện nay không ít người thầy dạy học chưa phải bằng cái tâm, cái tầm và lòng yêu nghề thật sự của mình mà chỉ coi việc dạy học như là một nghĩa vụ phải thực hiện nên dạy cho có, dạy cho qua làm học sinh chán nản.

Vả lại đây đó vẫn còn thầy cô vì quyền lợi của mình mà khi dạy o ép, làm khó học sinh nên hình ảnh người thầy bị méo mó trong giới trẻ học đường, nhất là những em học sinh khá giỏi, có tâm, có tài.

Vậy nên để học sinh khá, giỏi chọn ngành sư phạm, điều đầu tiên Nhà nước phải làm là có chỗ dạy khi các em ra trường. Ngành phải xóa ngay bệnh thành tích, phải dám dạy thật, học thật, thi thật.

Có học có lên lớp, không học phải ở lại lớp, cho nghỉ. Hãy mạnh dạn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hiện hành. Dạy được thì dạy, dạy lấy lệ thì cho nghỉ. Cạnh đó, cần xây dựng học đường trò ra trò, thầy ra thầy, nhất quyết không để dân chủ quá trớn, hiện tượng cá mè một lứa.

Nhà nước, xã hội cần phải thật sự coi trọng nghề dạy học. Có thế những học sinh ưu tú mới chọn nghề dạy học làm con đường lập nghiệp cho mình và có như vậy thế hệ trẻ mai sau của nước nhà mới tiến bộ được.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục