Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sân khấu hoá tác phẩm văn học trong trường phổ thông:
Học sinh hào hứng, thầy cô bất ngờ
Chủ nhật: 23:54 ngày 04/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngay lần đầu tiên nhà trường tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Đây là một sân chơi bổ ích, lành mạnh dù còn khá mới mẻ trong học đường.

Tiết mục hát múa “Đất nước” của lớp 12 Tin.

Nhằm khơi gợi niềm say mê, yêu thích văn chương nghệ thuật, cũng như phát huy năng khiếu biểu diễn của học sinh, ngày 3.12 vừa qua, tại nhà đa năng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã diễn ra vòng sơ loại hoạt động ngoại khoá “Sân khấu hoá tác phẩm văn học Việt Nam”. Ngay lần đầu tiên nhà trường tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Đây là một sân chơi bổ ích, lành mạnh dù còn khá mới mẻ trong học đường.

Chương trình được tổ Ngữ Văn của trường phát động từ cuối tháng 10 và có 28/28 lớp đăng ký, mỗi lớp một tiết mục. Cô Võ Thị Mười- tổ trưởng tổ Ngữ Văn, đại diện ban tổ chức cho biết: “Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ Văn lớp 10 có chuyên đề sân khấu hoá tác phẩm văn học. Nhân dịp, nhà trường tổ chức cho học sinh cả ba khối lớp tham gia hoạt động này, giúp các em có cơ hội tìm hiểu về văn học Việt Nam, trau dồi, nâng cao các kỹ năng”.

Có hơn một tháng để chuẩn bị, các em học sinh đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tác phẩm và xây dựng kịch bản một cách nghiêm túc. Nhiều tiết mục đầu tư trang phục, thiết kế đạo cụ, dàn dựng kỳ công, mang đến cho khán giả những cảm xúc vô cùng thích thú. Bằng các thể loại đa dạng như hát, nhảy, múa, tiểu phẩm, những tác phẩm kinh điển như Vợ nhặt, Chí Phèo, Tây tiến, Rừng xà nu, Số đỏ, Chiến thắng Mtao Mxây (sử thi Đăm Săn), Tấm Cám… được các em chuyển thể thành tiết mục sinh động, hấp dẫn. Thời gian trình bày mỗi tiết mục từ 7 đến 10 phút.

Có thể thấy rõ rằng, qua hoạt động này, các em học sinh hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông. Các tiết mục nổi bật như “Ai cho tôi tự do?”, “Đoá hoa bản Hồng Ngài” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (nhà văn Tô Hoài) và giai điệu hiện đại của bài hát “Để Mị nói cho mà nghe”, được các em thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm kết hợp hát múa, chuyển tải thông điệp khao khát sống, khao khát tự do mãnh liệt của con người.

Tương tự, bài thơ “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được trình diễn trên sân khấu bằng âm nhạc hào hùng cùng vũ đạo đẹp mắt, đồng đều. Hay ở một tiết mục khác, cảnh đám ma gương mẫu trong trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng) được tái hiện với vở kịch trào phúng...

Tiểu phẩm “Tấm Cám” do các em lớp 12 Sinh biểu diễn.

Sau một ngày tranh tài trong không khí sôi nổi, ban giám khảo chọn ra 9 tiết mục xuất sắc nhất vào vòng chung kết để xếp hạng, trao giải. Tiêu chí chấm điểm dựa vào các yếu tố ý tưởng, nội dung, tính sáng tạo, nhân văn, kỹ thuật biểu diễn, hiệu ứng âm thanh, phục trang... Vòng chung kết sẽ diễn ra vào sáng thứ 7, ngày 10.12.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục