Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia:

Học sinh quá ít thời gian để tự học

Cập nhật ngày: 13/05/2015 - 09:39

Học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa làm bài môn Toán tại kỳ thi thử.

Theo tìm hiểu, hầu hết các trường THPT sẽ tiếp tục dạy thêm khoảng từ 6 - 7 tuần, tức đến ngày 26.6 mới kết thúc. Sau thời điểm tổng kết năm học, học sinh khối 12 sẽ phải đóng tiền để ôn thi, tuỳ vào số lượng môn thi đăng ký (đa số học sinh chọn thi 5 môn). Mức đóng tiền cũng tuỳ từng trường, có thể từ 450.000 - 650.000 đồng một học sinh (cho tổng số các môn học).

Cũng có trường thu cao hơn hoặc thấp hơn con số vừa nêu. Tính ra, số tiền học sinh phải đóng trong thời gian học tăng tiết còn cao hơn nhiều so với học phí cả năm học. Thời lượng dành cho các môn học không giống nhau.

Theo lời của một vị hiệu phó thì với các môn Toán, Vật lý và Hoá học thông thường sẽ dạy đến 6 tiết mỗi tuần, các môn còn lại như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Sinh học chỉ dạy 3 tiết/tuần.

Thời lượng dạy các môn Toán, Vật lý, Hoá học được nhìn nhận là quá nhiều. Số tiết học thêm, học để ôn thi trong tuần cao gấp nhiều lần số tiết chính khoá của môn học trong phân phối chương trình.

Trên thực tế, ở nhiều trường THPT, chương trình dạy và học đối với học sinh lớp 12 năm học này đã kết thúc từ hồi tháng 3. Lý do là vì từ tháng 7.2014, các trường đã tổ chức dạy trước chương trình cho học sinh.

Một số môn học được xem là môn phụ như Thể dục, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học đã được một số trường cho học tăng tiết từ giữa tháng 1.2015 (học sinh không phải đóng tiền khi học tăng tiết các môn học này).

Đến giữa tháng 3, việc dạy và học các môn phụ (không thi tốt nghiệp) về cơ bản đã xong, học sinh chỉ chờ đến ngày kiểm tra học kỳ 2. Từ thời điểm này trở đi, nhà trường dành thời gian tăng tiết thêm cho các môn dự thi tốt nghiệp (học trái buổi, sau giờ chính khoá, học sinh đóng 30.000 đồng/môn/tháng).

Điều đáng nói là có trường tổ chức tăng tiết với thời lượng nhiều hơn cả tiết quy định chính khoá (ví dụ Toán và Ngữ văn quy định tiết chương trình là 3, tăng tiết là 5). Càng tăng tiết, học sinh càng phải đóng nhiều tiền. Theo giải thích của một số cán bộ, giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 12 thì các trường vẫn xem hình thức dạy tăng tiết là giải pháp tốt nhất để giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Bằng cách này, thời gian học sinh tập trung ở trường rất nhiều, còn thời gian tự học, tự nghiền ngẫm kiến thức rất ít. Có lớp (thuộc loại quá yếu) còn phải thêm ca học tối (sau 17giờ). Sở Giáo dục - Đào tạo đã từng có công văn hướng dẫn việc tổ chức ôn tập cho kỳ thi quốc gia.

Trong đó, yêu cầu: “Bên cạnh việc tổ chức dạy học nên chú ý hướng dẫn học sinh cách xây dựng kế hoạch tự ôn tập, thực hiện việc tự ôn luyện, hệ thống hoá  kiến thức” và “… tránh tình trạng quá tải, tạo áp lực, làm ảnh hưởng sức khoẻ và tâm lý các em”.

Có thể thấy, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, học sinh lớp 12 đã và đang trải qua những ngày học tập căng thẳng, gần như không được nghỉ ngơi.

Như tin đã đưa, bắt từ hôm qua (12.5), Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức cho học sinh khối 12 trong toàn tỉnh thi thử kỳ thi THPT quốc gia. Theo ý kiến của một số cán bộ quản lý, việc tổ chức thi thử nếu không được làm một cách nghiêm túc thì khó đạt được mục đích đề ra.

Nhiều người cũng cho rằng, việc thi thử nên tổ chức sau khi việc dạy ôn thi đã hoàn thành sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó còn có ý kiến rằng: chương trình học, số tiết học lớp 10 và lớp 11 vẫn đang còn, do đó, việc tổ chức cho khối lớp 12 thi thử sẽ khiến cho việc dạy và học của học sinh khối 10 và 11 bị ảnh hưởng.

Sau khi học sinh lớp 12 thi xong thì cũng vừa đến ngày bế giảng năm học, nên một số bài của học của lớp 10 và 11 sẽ không được dạy.

Có thể nói, việc tổ chức thi thử dành cho lớp 12 là điều cần thiết nhưng có những khâu cần xem lại cho hợp lý hơn.

VIỆT ĐÔNG