BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Cần có sự định hướng của giáo viên 

Cập nhật ngày: 25/09/2020 - 00:01

BTN - Trong khi nhiều trường học không thể trang bị đầy đủ máy chiếu, tivi, việc cho học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học là điều cần thiết, nhưng vẫn phải có sự giám sát và chỉ dẫn của giáo viên.

Thầy Trần Hữu Hoà- giáo viên Lịch sử Trường THPT Tây Ninh hướng dẫn học sinh tra cứu thông tin trên ÐTDÐ.

Ngày 15.9, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDÐT về Ðiều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này sẽ được áp dụng từ ngày 1.11.2020, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDÐT ban hành năm 2011.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là quy định liên quan đến việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Theo đó, Ðiều 37 quy định các hành vi mà học sinh không được làm có nội dung “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Ðây là điểm mới, khác với quy định tại Thông tư 12 trước đây cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại di động, kể cả máy nghe nhạc trong giờ học. Quy định mới này được hiểu: học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Ðây cũng chính là điều dư luận quan tâm, đặc biệt là giáo viên, phụ huynh và học sinh THCS, THPT.

Phù hợp với xu hướng dạy và học mới

Không ít người băn  khoăn, lo ngại việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp sẽ làm sao nhãng, ảnh hưởng không tốt đến việc học của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều người lại bày tỏ quan điểm đồng tình bởi nó phù hợp với xu hướng dạy và học mới. Song, để giúp học sinh sử dụng điện thoại phục vụ việc học một cách hiệu quả rất cần sự giám sát, định hướng của giáo viên và phụ huynh.

Thầy Lê Hoàng Nam- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho biết: “Việc sử dụng điện thoại di động (ÐTDÐ) trong trường học là một trong những vấn đề mà cả nhà trường, phụ huynh và học sinh quan tâm. Cá nhân tôi rất tán thành với quy định mới này, vì thực sự phù hợp với xu hướng hiện nay.

Bộ GD&ÐT đưa ra quy định này cũng để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cập, tìm những nguồn học liệu cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên, chứ không phải cho các em sử dụng điện thoại một cách tuỳ tiện, thoải mái gây ảnh hưởng đến việc học trong lớp. Nhà trường đang xây dựng nội quy cụ thể, quy định sử dụng ÐTDÐ trong trường học, vừa định hướng cho các em học sinh, vừa giúp các em sử dụng ÐTDÐ phục vụ việc học một cách hiệu quả.

Theo thầy Trần Hữu Hoà- giáo viên Lịch sử Trường THPT Tây Ninh, trong quá trình dạy môn Lịch sử, ngoài nội dung trong sách giáo khoa, thầy vẫn hướng dẫn học sinh dùng ÐTDÐ tra cứu thông tin, hình ảnh liên quan đến nội dung bài học, hay một đoạn phim lịch sử trên Google, YouTube. Trong khi nhiều trường học không thể trang bị đầy đủ máy chiếu, tivi, việc cho học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học là điều cần thiết, nhưng vẫn phải có sự giám sát và chỉ dẫn của giáo viên.

“Có nhiều ý kiến trái chiều về việc cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học. Trên thực tế, hầu hết học sinh THPT, kể cả học sinh THCS đã được tiếp cận ÐTDÐ từ rất sớm và sử dụng thành thạo. Do đó, trong môi trường trường học, quan trọng nhất là cần sự kiểm soát, điều chỉnh của giáo viên để học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích”- thầy Hoà nhận định.

Cần định hướng học sinh sử dụng ðiện thoại ðúng cách

Thầy Nguyễn Thành Bửu- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh cho biết: “Trước đây và hiện tại, nhà trường vẫn cho phép học sinh mang ÐTDÐ vào trong trường, lớp học. Tuy nhiên, nhà trường quy định rõ học sinh khi sử dụng ÐTDÐ phải tuân thủ quy định của giáo viên.

Chỉ có những tiết học nào giáo viên cho phép, học sinh mới được sử dụng để phục vụ việc tra cứu theo sự hướng dẫn của giáo viên. Do đó, khi Thông tư 32 ra đời, nhà trường không gặp khó khăn gì trong việc thực hiện, những quy định mới trong Thông tư hoàn toàn phù hợp với quy định của nhà trường đang áp dụng”.

Ðối với học sinh THCS, thầy Bửu bày tỏ quan điểm: “Học sinh THCS có thể sử dụng điện thoại phục vụ học tập. Tuy nhiên, vẫn phải có sự kiểm soát và hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh để các em sử dụng đúng mục đích.

Ðồng thời có sự quản lý chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường, phân tích lợi ích, hạn chế khi sử dụng điện thoại di động để từ đó định hướng cho các em sử dụng hợp lý, đúng mục đích, phục vụ việc học tập”.

Học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu nội dung liên quan đến bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trường THPT Tây Ninh.

Em Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh lớp 11 Tin, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho rằng: “Theo em, việc cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng ÐTDÐ trong lớp để phục vụ việc học là cần thiết. Bởi vì học sinh luôn có nhu cầu tìm hiểu các kiến thức mới, kiến thức mở rộng phục vụ bài học trên mạng internet.

Ðặc biệt như trong giờ học tiếng Anh, khi gặp một từ mới, học sinh có thể dùng điện thoại tra cứu một cách nhanh chóng thay vì phải tra từ điển rất mất thời gian. Tuy nhiên, nếu sử dụng điện thoại không đúng mục đích học tập, như chơi trò chơi điện tử, vào mạng xã hội… trong giờ học là không được. Do đó, theo em, sử dụng ÐTDÐ cần đúng lúc, đúng môn học và có sự quản lý chặt chẽ của giáo viên”.

Em Châu Bảo Khanh- học sinh lớp 12A9 Trường THPT Tây Ninh nói: “Ðiện thoại di động ngày càng phổ biến trong học sinh THPT. Ðiện thoại không chỉ là công cụ thông tin liên lạc mà còn phục vụ cho việc tra cứu thông tin, tiếp cận kiến thức bổ sung cho sách giáo khoa.

Thời gian qua, mặc dù nhà trường cho học sinh được sử dụng điện thoại nhưng nhà trường kiểm soát chặt chẽ bằng nội quy. Ban quản lý học sinh thường xuyên đi kiểm tra, giáo viên cũng chú ý việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, chỉ khi nào giáo viên cho phép thì học sinh mới được sử dụng”.

Phương Thuý - Tâm Giang


Liên kết hữu ích