Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học sinh yếu - con số và thực tế

Cập nhật ngày: 11/12/2013 - 06:40

(BTN) - Năm học 2012-2013, số học sinh yếu của Tây Ninh- cấp tiểu học: 1.010, cấp THCS: 3.442 và cấp THPT: 4.435 em.

Số liệu trên do Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh công bố trong kỳ họp vừa qua. Với tổng số gần 10.000 học sinh yếu như vậy, đã có ý kiến cho rằng đây là con số cao, đáng quan ngại.

Muốn biết cao hay thấp cần căn cứ vào số lượng học sinh để tính toán. Hằng năm, Tây Ninh có khoảng trên dưới 200.000 học sinh, riêng năm học 2013 – 2014 có khoảng 206.000 từ mầm non đến trung học phổ thông. Thật ra, căn cứ tổng số học sinh toàn tỉnh, nếu chia theo tỷ lệ, thì số học sinh bị xếp loại yếu về học lực chỉ chiếm khoảng 5% và như vậy là không cao, thậm chí là còn thấp! Điều đáng nói là tuy con số học sinh yếu còn thấp nhưng người ta lại không thể lạc quan về mặt chất lượng thật của học sinh được.

Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng học tập của học sinh ngày càng giảm sút, trong đó có một phần là do… phổ cập giáo dục. Để tiến nhanh, tiến mạnh về đích phổ cập giáo dục, đồng thời duy trì đạt chuẩn phổ cập nên nhiều nơi- khâu kiểm tra đánh giá học sinh đã không giữ được tính khách quan.

Tại Tây Ninh, phổ cập giáo dục trung học cơ sở về đích trước 3 năm so với quy định chung của cả nước. Đã nhanh, mạnh thì có khi lại thiếu vững chắc. Không có gì khó hiểu khi số lượng học sinh lưu ban (ở lại lớp) ngày càng ít, gần như không đáng kể.

Lý do là nếu phải ở lại lớp, các em sẽ… bỏ học, mà các em bỏ học càng nhiều thì càng dẫn đến nguy cơ rớt chuẩn phổ cập giáo dục. Để “gia cố” kiến thức cho học sinh có học lực yếu, không đủ điều kiện lên lớp, bảy năm về trước ngành giáo dục đã phát động “học kỳ 3”- dạy phụ đạo liên tục trong hè cho các em thuộc đối tượng này thi lại.

Mặc dù phong trào “xoá dốt giảm khờ” ấy chỉ duy trì được vài năm, kết quả phụ đạo cũng còn hạn chế nhưng cuối cùng học sinh cũng… lên lớp gần hết! Được lên lớp nhưng vì kiến thức quá yếu, không theo kịp chương trình, không làm được bài nên số học sinh thuộc đối tượng này đã rơi rụng dần dần. Theo đánh giá của ngành giáo dục, học yếu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học cao, đặc biệt ở bậc trung học phổ thông.

Nếu khâu kiểm tra, đánh giá được tiến hành một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học hơn nữa thì tỷ lệ học sinh xếp loại yếu về học lực chắc hẳn còn cao hơn nhiều, đâu chỉ có bấy nhiêu! 5% học sinh xếp loại yếu về học lực đủ chứng minh rằng, ngành giáo dục còn rất “nương tay” với các em học sinh có học lực yếu.

VIỆT ĐÔNG