Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Học tập và làm theo gương Bác: Người sáng lập “Ngân hàng máu hồng xã An Hoà”
Thứ ba: 09:30 ngày 09/06/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Buổi đầu thành lập Ngân hàng máu hồng, Đạm vận động được 12 thành viên. Sau 3 tháng, số thành viên tham gia vào Ngân hàng máu hồng xã An Hoà là 21 người và hiện là 34 người. Những thành viên trong Ngân hàng đặt mục tiêu: Mỗi người phải vận động ít nhất một người khác tham gia hiến máu cứu người.

Anh Phạm Thành Đạm: Bác đã dạy “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”

Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng tỉnh Tây Ninh năm 2008 (được tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua), cử toạ rất chú ý bản báo cáo tham luận “Phong trào hiến máu nhân đạo xã An Hoà năm 2008” do anh Phạm Thành Đạm trình bày, trong bản báo cáo này có cụm từ rất lạ: “Ngân hàng máu hồng xã An Hoà”.

Phạm Thành Đạm, sinh năm 1976, tại ấp An Lợi, xã An Hoà, Trảng Bàng. Anh tham gia công tác Đoàn từ năm 1994 và được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng từ tháng 6.2008. Từ năm 2003, Đạm giữ chức vụ Phó Bí thư Xã đoàn An Hoà cho đến nay. “Năm 1996, khi Tỉnh đoàn phát động phong trào hiến máu nhân đạo (HMNĐ), tôi đã xung phong đăng ký hiến máu lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Lần đầu tiên đi hiến máu, dù hăng hái nhưng gần tới giờ lấy máu, tôi lại cảm thấy… lo lo. Lo vì không biết máu mình có đạt để được lấy hay không, và lo vì… thấy dụng cụ lấy máu dễ sợ quá!”, Đạm tâm sự.

Thế nhưng, sau lần đó, Đạm lại tiếp tục xung phong HMNĐ. Không như ai đó đã nói “coi chừng đi hiến máu về thiếu máu rồi đổ bệnh”, Đạm vẫn khoẻ khoắn, tăng cân và vẫn làm tốt công tác, đảm bảo chu toàn việc nhà. Tháng 3.1997, qua các lớp tập huấn đầu tiên về công tác tuyên truyền vận động HMNĐ do Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức, và qua nghiên cứu các tài liệu về phong trào này, nhận định được tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hiến máu cứu người, Đạm đều đặn tham gia HMNĐ. Không những đi đầu trong việc hiến máu, Đạm còn tích cực bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động thanh niên trong xã tham gia.

Dù luôn tích cực hiến máu và vận động mọi người tham gia hiến máu nhưng Đạm vẫn cảm thấy băn khoăn: “Nếu như có bệnh nhân cần máu để truyền gấp trong khi bệnh viện thiếu máu thì phải làm thế nào?”. Trăn trở, Đạm chợt nghĩ đến việc thành lập “Ngân hàng máu hồng xã An Hoà”. Đây là một “ngân hàng máu” hoạt động 24/24 giờ và sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào khi có bệnh nhân cần. Năm 2003, Đạm mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình với Đảng uỷ, UBND xã và nhận được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo xã. Vậy là “Ngân hàng máu hồng xã An Hoà” ra đời từ đó. Khi có bệnh nhân cần truyền máu đột xuất, dù bất kỳ trong thời gian nào, những thành viên trong Ngân hàng máu hồng xã An Hoà lại lên đường đến cơ sở y tế hiến máu. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, phục hồi sức khoẻ. Gần đây nhất, nhờ máu hồng của Ngân hàng này, sức khoẻ của một em bé 26 tháng tuổi bị bệnh tim nặng đã tiến triển tốt. “Hiệu quả từ hoạt động của Ngân hàng máu hồng khiến tôi và những người bạn của mình cảm thấy rất hạnh phúc!”, Đạm bộc bạch sau khi ghé thăm em bé đã nhận máu từ Ngân hàng máu hồng xã An Hoà.

Buổi đầu thành lập Ngân hàng máu hồng, Đạm vận động được 12 thành viên. Sau 3 tháng, số thành viên tham gia vào Ngân hàng máu hồng xã An Hoà là 21 người và hiện là 34 người. Những thành viên trong Ngân hàng đặt mục tiêu: Mỗi người phải vận động ít nhất một người khác tham gia hiến máu cứu người. Tính đến năm 2008, mỗi thành viên trong Ngân hàng máu hồng xã An Hoà đã tham gia hiến máu từ 15 đến 28 lần (riêng Đạm đã 28 lần hiến máu – có số lần cao nhất huyện Trảng Bàng); từ năm 2004 đến tháng 2.2009, những người có tấm lòng cao quý này đã hiến tặng 181 đơn vị máu cứu người.

Tháng 6.2007, Đạm cùng 9 người khác trong tỉnh Tây Ninh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân và được mời dự buổi lễ tuyên dương rất trang trọng. Khi được hỏi về mình, Đạm tỏ ra khiêm tốn: “Tôi luôn ghi khắc lời Bác dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Tôi thấy việc mình làm cũng bình thường thôi. Tôi đã tốt nghiệp trung học phổ thông, ít nhiều cũng được giáo dục phải sống thế nào cho xứng đáng với công ơn to lớn của bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của nước nhà. Mình may mắn được sống trong thời bình thì phải cố gắng đóng góp công sức cho xã hội, cho đất nước”.

An Hoà là xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận Xã Văn hoá

Nói về hoạt động của Ngân hàng máu hồng xã An Hoà và người sáng lập, ông Nguyễn Công Hường – Phó Chủ tịch UBND xã An Hoà nói: “Họ làm rất tốt, thực sự là những người biết sống vì mọi người. Chúng tôi tự hào về họ và sẽ tiếp tục hỗ trợ hết khả năng để phong trào HMNĐ ở xã này ngày càng lớn mạnh, ngày càng có nhiều người hiểu được ý nghĩa của việc HMNĐ và tích cực tham gia hiến máu”.

BẢO TÂM

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục