Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo đại diện Sở GD&ĐT, để học sinh học sinh học trực tuyến an toàn, hiểu quả bên cạnh vai trò của ngành Giáo dục và nhà trường, giáo viên, rất cần sự phối hợp của học sinh trong việc tự giác học tập tại nhà, phụ huynh hỗ trợ giáo viên theo dõi việc học của học sinh trong và sau những buổi học trực tuyến.
Một buổi học trực tuyến của học sinh.
Để đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thay vì đến trường, học sinh Tây Ninh được chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà. Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều sự cố không may trong khi học sinh học trực tuyến, gây không ít hoang mang cho các bậc phụ huynh. Vấn đề này khiến ngành Giáo dục cũng như bậc phụ huynh quan tâm hơn đến việc học online của học sinh và con em mình.
Có con gái đang học lớp 6, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1991, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) chia sẻ, chuẩn bị cho con gái học trực tuyến, chị nhường chiếc máy tính xách tay cho con học và chuyển dữ liệu công việc đến máy tính công ty.
Để bảo đảm an toàn cho con học online, chị hướng dẫn con cách sử dụng máy tính xách tay, đồng thời kèm con học trong 2 tháng nghỉ việc do giãn cách xã hội. Sau nửa học kỳ, con gái chị có thể tự học online, chị cũng bận rộn trở lại công việc.
Tuy nhiên, chị Thảo vẫn giữ thói quen kiểm tra máy tính trước khi cho con học để bảo đảm thiết bị luôn đủ pin, hoạt động tốt và hạn chế cho con cắm dây sạc trong khi học.
“Học sinh bây giờ tiếp cận các phương tiện công nghệ từ rất sớm, có nhiều em đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện các thao tác sử dụng máy tính, điện thoại. nhưng tôi nghĩ phụ huynh vẫn nên thường xuyên kiểm tra phương tiện học của con để bảo đảm an toàn cho con trẻ trong khi học”- chị Thảo nói.
Đồng quan điểm, chị Hồ Thị Thu Thủy (sinh năm 1987, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành) cho rằng, để trẻ học online an toàn, phụ huynh nên quan tâm hơn đến việc kiểm tra phương tiện học cũng như theo dõi, hỗ trợ con trong học tập.
Chị Thuỷ có 2 con đang học tiểu học, một cháu lớp 4 và một cháu lớp 2. Để tạo sự thoải mái và yên tĩnh cho các con, chị bố trí mỗi cháu một khu vực học tập riêng. Ngoài ra, mỗi ngày, chị Thuỷ kiểm tra và sạc pin máy tính xách tay trước, để các con yên tâm học tập.
Mặc dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng để các con tiếp thu bài học, chị Thuỷ cố gắng phối hợp, hỗ trợ nhà trường, giáo viên theo dõi sát sao việc học của các con, chụp ảnh bài tập về nhà gửi đến zalo cho giáo viên chấm điểm và ôn tập cùng con mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
Chị Thuỷ chia sẻ: “Học online tuy không hiệu quả bằng học trực tiếp nhưng đây là giải pháp hữu hiệu để trẻ có thể tiếp cận và duy trì việc học trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để trẻ có thể tiếp thu bài học hiệu quả, ngoài việc giảng dạy của giáo viên, phụ huynh cần tương tác, hỗ trợ các con trong học tập, nhất là đối với học sinh tiểu học”.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau thời gian triển khai phương pháp học trực tuyến cho học sinh phổ thông, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức tập huấn, hỗ trợ công nghệ thông tin, chuyên môn, kỹ năng an toàn khi tổ chức lớp học trực tuyến cho giáo viên, giúp các thầy cô xây dựng bài dạy sinh động, thu hút học sinh; có giải pháp đánh giá, kiểm tra việc dạy học trực tuyến và tổ chức kiểm tra theo quy định; nâng cao kỹ năng học tập, tự nghiên cứu của học sinh phổ thông qua việc lồng ghép giảng dạy kỹ năng học tập.
Sở cũng chỉ đạo các trường học tinh giản chương trình giáo học phổ thông cấp THCS và THPT theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16.9.2021 của Bộ GD&ĐT; đồng thời chỉ đạo các trường phổ thông điều chỉnh thời gian học trực tuyến phù hợp, ít hơn thời gian học trực tiếp và có nghỉ giải lao giữa các tiết, giúp học sinh không bị ảnh hưởng sức khoẻ do tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính quá lâu.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các sở, ngành kịp thời sửa chữa, nâng cấp đường truyền internet, không làm ảnh hưởng đến chất lượng kết nối trong quá trình dạy học trực tuyến; phối hợp với các cá nhân, tổ chức hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện học trực tuyến một cách an toàn.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo giáo viên tăng cường tương tác với học sinh thông qua các kênh học tập. Giáo viên phải thường xuyên cập nhật tình hình học tập của học sinh, có nhiều biện pháp, sáng kiến hỗ trợ học sinh học trực tuyến, ưu tiên có giải pháp riêng đối với nhóm học sinh có năng lực tự học còn yếu.
Theo đại diện Sở GD&ĐT, để học sinh học sinh học trực tuyến an toàn, hiểu quả bên cạnh vai trò của ngành Giáo dục và nhà trường, giáo viên, rất cần sự phối hợp của học sinh trong việc tự giác học tập tại nhà, phụ huynh hỗ trợ giáo viên theo dõi việc học của học sinh trong và sau những buổi học trực tuyến. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, đồng thời có chính sách miễn, giảm học phí, cước internet cho học sinh.
Ngọc Bích