BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sinh viên Sư phạm được hỗ trợ học phí:

Học xong, không làm đúng nghề phải trả lại tiền 

Cập nhật ngày: 30/09/2020 - 00:26

BTN - Sau thời gian dài ban hành dự thảo để lấy ý kiến đóng góp, ngày 25.9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 116/2020/NÐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (có hiệu lực kể từ ngày 15.11.2020).

Sinh viên Trường CÐSP Tây Ninh trong một đợt thực tập sư phạm ở Trường THCS Võ Văn Kiệt, phường IV, TP. Tây Ninh.

Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Nghị định này áp dụng đối với sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.

Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NÐ-CP năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khoá học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khoá học theo năm học.

Ðiều 6 của Nghị định 116 quy định bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Cụ thể, đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm: sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành Giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Ðối tượng không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

Một, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành Giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

Hai, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành Giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành Giáo dục.

Ba, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định.

Bốn, sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học.

Nghị định 116 cũng quy định, sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại nghị định này, nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo.

Theo quy định của Nghị định 116, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sinh viên hoặc gia đình phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn.

Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Sinh viên sư phạm nếu thuộc đối tượng chính sách, khó khăn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc thù của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh quyết định phương thức thu hồi, chính sách miễn, giảm hoặc xoá kinh phí bồi hoàn. Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn có quyền khởi kiện tại toà án theo quy định pháp luật.

Ð.V.T