Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến hẹn lại lên, cứ 16 và 17 tháng Giêng, hàng vạn du khách lại nô nức trẩy hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Đến hẹn lại lên, cứ 16 và 17 tháng Giêng, hàng vạn du khách lại nô nức trẩy hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Đây là một trong những lễ hội văn hoá dân gian cổ xưa còn lưu giữ được vẻ nguyên sơ. Tương truyền lễ hội có từ thế kỉ thứ Hai trước Công Nguyên, tức cách đây khoảng 2.200 năm, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã. Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu để tổ chức đánh giặc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành hoàng của làng và hàng năm tổ chức lễ hội chọi trâu để tỏ lòng biết ơn.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm nay có 26 trâu, đại diện cho 19 thôn của xã. Trâu chọi còn được gọi là “ông cầu”, được người dân trong thôn góp tiền chọn mua từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu. Sau đó, thôn sẽ giao “ông cầu” cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng.
Sới chọi trâu là một bãi đất rộng, bằng phẳng, hình bầu dục. Bao quanh sân là những cọc bằng gỗ bạch đàn, hoặc tre dài 2,5m. Sới chọi có 2 cửa ra, vào ở phía Đông và phía Tây để đưa trâu vào và thoát ra.
Nét đẹp trong hội chọi trâu Hải Lựu là trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Ngay sau khi lễ hội kết thúc, các “ông trâu” dù thắng hay thua đều được giết thịt để liên hoan tập thể và bán cho du khách, giá cả dao động từ 300.000 - 800.000 đồng, riêng thịt trâu vô địch có giá đến 2 triệu đồng/kg.
(Theo VOV)