BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hỏi đáp về việc giải quyết tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày: 16/06/2009 - 10:04

Nhiều hộ dân trồng cây sai mục đích trên đất lâm nghiệp

LTS: Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, ngày 11.6.2009 UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp báo công bố Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 13.5.2009, về việc ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về chủ trương và kế hoạch này, Báo Tây Ninh đăng tải tài liệu hỏi đáp về nội dung, mục đích, cách tiến hành xử lý để bạn đọc nắm vững và hưởng ứng thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh.

1) Hỏi: Đất lâm nghiệp là gì?

Đáp: Đất lâm nghiệp bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng được cấp có thẩm quyền quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp.

2) Hỏi: Pháp luật nhà nước quy định như thế nào về hành vi bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích?

Đáp: Điều 15 Luật Đất đai năm 2003 nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 nghiêm cấm hành vi bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Nghị định 182/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xác định lấn, chiếm đất và sử dụng đất không đúng mục đích thuộc các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất.

3) Hỏi: Thế nào là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất?

Đáp: Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, rừng được phân thành ba loại căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, bao gồm:

1. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.

2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường,

3. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

4/ Hỏi: Mục đích của việc giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh?

Đáp: Giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh nhằm lập lại trật tự kỷ cương pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất đai đúng quy hoạch theo quy định của pháp luật. Thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích để đưa vào trồng rừng theo quy hoạch.

5/ Hỏi: Yêu cầu của việc giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh?

Đáp: Giải quyết chặt chẽ, đúng pháp luật; theo lộ trình, bước đi cụ thể phù hợp cho từng loại rừng, đúng với từng loại đối tượng vi phạm.

Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý, không đùn đẩy kéo dài, không tạo tiền lệ xấu cho việc phát sinh các vi phạm tiếp theo.

6/ Hỏi: Công tác xử lý đối với rừng đặc dụng?

Đáp: UBND tỉnh đã có Quyết định số: 875/QĐ-UBND ngày 13.5.2009 về việc ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cụ thể biện pháp xử lý là:

* Đối với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát và Khu rừng văn hoá – Lịch sử Chàng Riệc:

- Diện tích đang sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày: Các hộ vi phạm được ký hợp đồng trồng rừng với chủ rừng theo các mô hình trồng rừng đặc dụng được UBND tỉnh phê duyệt và được hưởng các quyền lợi của người nhận khoán theo quy định của Nhà nước.

- Diện tích đang trồng cây cao su và cây ăn quả: Thực hiện chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn quả, các hộ bị chặt bỏ cây cao su, cây ăn quả được ký hợp đồng trồng rừng với chủ rừng theo các mô hình trồng rừng đặc dụng được UBND tỉnh phê duyệt và được hưởng các quyền lợi của người nhận khoán theo quy định của Nhà nước; trong đó:

+ Diện tích cây cao su, cây ăn quả trồng đúng quy hoạch được trồng cây cao su và cây ăn quả của Chương trình 327 và Dự án 661: Hộ dân được đền bù vốn đầu tư quy định và được sử dụng toàn bộ số cây cao su và cây ăn quả bị chặt hạ.

+ Diện tích do bao, lấn chiếm trồng cây cao su, cây ăn quả không đúng mục đích, sai quy hoạch của Chương trình 327 và Dự án 661: Hộ vi phạm chỉ được sử dụng số cây cao su và cây ăn quả bị chặt hạ.

- Đối với những hộ chống đối, không tự nguyện ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng trồng rừng sẽ bị thu hồi đất đang sử dụng giao cho chủ rừng tổ chức trồng lại rừng.

7/ Hỏi: Công tác xử lý đối với rừng phòng hộ?

Đáp:

1. Diện tích đang sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Các hộ vi phạm được ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với chủ rừng theo các mô hình được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có mô hình DCs1 (cây sao, dầu xen cây cao su).

2. Diện tích đang trồng cao su, cây ăn quả lâu năm có tàn che rộng tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng:

- Đối với diện tích cây cao su, cây ăn quả lâu năm có tàn che rộng (như cây xoài, điều) trồng đúng quy hoạch được trồng cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm của Chương trình 327 và Dự án 661:

+ Thực hiện chặt cây cao su, cây ăn quả theo đám (đám chặt có thể giữa lô, hoặc một trong hai đầu của lô) để trồng các cây bản địa sao, dầu), cự ly cây bản địa trồng theo quy cách hàng cách hàng 04 m, cây cách cây 2,5 m (04 m x 2,5 m) nhằm nâng giá trị phòng hộ của rừng trồng. Diện tích đám chặt được xác định cụ thể theo từng lô để đảm bảo cây cao su (hoặc cây ăn quả) cộng với cây lâm nghiệp có mật độ tối thiểu là 600 cây/ ha;

+ Các hộ được ký hợp đồng giao khoán trồng rừng ổn định, lâu dài với chủ rừng và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước.

+ Các hộ được đền bù vốn đầu tư theo quy định theo tỷ lệ cây bị chặt hạ và được sử dụng phần cây cao su, cây ăn quả bị chặt hạ;

- Đối với diện tích cây cao su, cây ăn quả lâu năm có tàn che rộng (như cây xoài, điều,...) do bao, lấn chiếm trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch:

+ Tiến hành chặt theo băng để trồng hỗn giao với cây bản địa: Cây cao su trồng theo mô hình DCS1 (cây cao su + cây lâm nghiệp sao, dầu), có mật độ tối thiểu là 726 cây/ha ; Cây ăn quả trồng hỗn giao với cây bản địa phải đảm bảo mật độ tối thiểu (cây cao su hoặc cây ăn quả + cây lâm nghiệp) là 600 cây/ha.

+ Các hộ được ký hợp đồng giao khoán trồng rừng ổn định, lâu dài với các chủ rừng được hưởng các quyền lợi theo quy định của Nhà nước và được sử dụng cây cao su, cây ăn quả bị chặt hạ.

3. Các loài cây ăn quả khác:

- Các hộ có diện tích cây ăn quả trồng đúng quy hoạch được trồng cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm của Chương trình 327 và Dự án 661: Chặt bỏ toàn bộ, trồng lại rừng theo mô hình được UBND tỉnh phê duyệt, được sử dụng phần cây ăn quả bị chặt hạ và được đền bù vốn đầu tư theo quy định.

- Đối với hộ do bao, lấn chiếm trồng cây ăn quả không đúng mục đích, sai quy hoạch: Chặt bỏ toàn bộ, trồng lại rừng theo mô hình được UBND tỉnh phê duyệt, được sử dụng phần cây ăn quả bị chặt hạ.

- Các hộ được ký hợp đồng giao khoán trồng rừng ổn định, lâu dài với chủ rừng và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.

- Đối với những hộ chống đối, không tự nguyện ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng trồng rừng sẽ bị thu hồi đất đang sử dụng giao cho chủ rừng tổ chức giao khoán lại cho các hộ ở địa phương có nhu cầu để trồng lại rừng.

8/ Hỏi: Xử lý đối với các công trình, nhà cửa, chòi xây cất trái phép trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng?

Đáp: Các hộ vi phạm phải tự tháo dỡ di dời và phục hồi lại rừng trên diện tích vi phạm. Trường hợp dân cư đã bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp xây dựng các công trình nhà cửa và sống tập trung ổn định từ nhiều năm thì UBND huyện, xã cùng với chủ rừng đề xuất phương án giải quyết.

9/ Hỏi: Xử lý đối với hộ tự cày phá trái phép diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng?

Đáp: Xử lý, huỷ hợp đồng giao nhận khoán, thu hồi và giao đất lại cho các chủ rừng thực hiện việc trồng lại rừng.

10/ Hỏi: Xử lý đối với các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai trong đất quy hoạch lâm nghiệp?

Đáp: UBND các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và Thị xã chỉ đạo các phòng chức năng liên quan rà soát, thống kê và tiến hành thu hồi ngay các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai trong quy hoạch đất lâm nghiệp của các Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Khu rừng văn hoá – lịch sử Chàng Riệc, Khu rừng văn hoá – lịch sử Núi Bà và Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, giao đất lại cho chủ rừng.

11/ Hỏi: Xử lý đối với rừng sản xuất?

Đáp: Đối với diện tích đất rừng sản xuất bị bao, lấn chiếm trồng cây không đúng mục đích sẽ được xử lý riêng trong phương án phát triển rừng sản xuất của tỉnh đang được xây dựng.

12/ Hỏi: Cưỡng chế thi hành?

Đáp: Đối với các hộ không tự nguyện chấp hành những biện pháp giải quyết, xử lý nêu trên, cố tình tránh né, sau khi đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và sau 10 ngày kể từ ngày nhận được giấy mời lần thứ hai nhưng vẫn không đến, UBND xã phối hợp với chủ rừng lập biên bản vi phạm hành chính vắng mặt và xử lý theo Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; đồng thời gửi Quyết định xử phạt cho người vi phạm. Sau thời gian tự nguyện chấp hành được quy định trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm không tự nguyện chấp hành thì người đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào Nghị định số 37/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, ra Quyết định cưỡng chế: chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích.

Sau khi có Quyết định cưỡng chế, UBND các huyện, xã chủ trì, tổ chức lực lượng thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thu hồi lại diện tích đất mà hộ đang sử dụng không đúng mục đích để các chủ rừng thực hiện trồng rừng theo quy hoạch. Hộ bị cưỡng chế phải chịu chi phí cưỡng chế và chi phí chặt bỏ cây trồng, giải toả hiện trường.

Ban Chỉ đạo giải quyết tình trạng bao chiếm và

sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích tỉnh Tây Ninh