Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồi hộp phòng, chống cháy rừng
Thứ sáu: 00:29 ngày 27/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 20 vụ cháy rừng trồng, cháy dưới tán rừng tự nhiên. Hiện nay, nắng nóng kéo dài, nguy cơ “bà hoả” viếng thăm rừng được đặt ở cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm.

Đốt chủ động ở những nơi dễ xảy ra hoả hoạn để tránh cháy lây lan.

Túc trực 24/24 giờ

Giữa trưa, nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Dương Minh Hiếu, 32 tuổi- nhân viên Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) đứng trên đỉnh tháp canh lửa, dùng ống nhòm quan sát toàn bộ khu rừng. Từ xa, một cụm khói bốc lên giữa đám rừng xanh. Hiếu liền gọi điện thoại thông báo Đội bảo vệ rừng và hướng dẫn cho anh em đường đi đến nơi chữa cháy.

Ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc BQL Khu rừng cho biết, khoảng 5 tháng, trên địa bàn chưa có mưa. Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng mùa khô 2019-2020, BQL xây dựng phương án PCCC rừng, như đốt cỏ, thực bì ở những nơi dễ cháy; cày đất tạo đường băng cản lửa ven đường, ven trảng, bảo đảm không để cháy lan; kiểm tra, nhắc nhở các hợp đồng nhận khoán trồng rừng, bảo vệ rừng xử lý thực bì cục bộ ở bờ lô, bờ ranh nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng lây lan. Lực lượng PCCC rừng trực 24/24 giờ trên 2 tháp canh lửa; tiếp tục thuê mướn công lao động tham gia trực PCCC rừng.

Ở khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên), ngoài việc trực trên các tháp canh, nhân viên đội bảo vệ rừng che lán và đặt thùng container làm nhà, ở hẳn trong rừng. Hằng ngày, họ dùng xe gắn máy đi tuần tra, canh gác ở những vùng trọng điểm dễ xảy ra hoả hoạn.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc BQL cho hay, đây là khu rừng nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, có di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, với diện tích hơn 12 ngàn ha, trải dài trên địa bàn 3 xã Tân Lập, Thạnh Bắc và Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Nhờ làm tốt công tác PCCC, đến nay khu rừng này chưa xảy ra vụ cháy nào.

Tuy nhiên, do đặc điểm rừng phân bố không tập trung, không liền vùng, liền khoảnh, tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp của dân, trong rừng có cỏ tranh, cỏ mỹ, cành lá khô rơi rụng nên dễ xảy ra cháy vào những lúc cao điểm của mùa khô. 

Tương tự, ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên), công tác phòng, chống cháy rừng “căng như dây đàn”. Ở những trảng cỏ khô, rừng tự nhiên có nhiều thực bì đều bố trí nhân viên trực chiến.

Ông Huỳnh Hữu Phương- Phó Giám đốc Vườn chia sẻ, ngay từ đầu mùa khô, Ban Giám đốc đã có kế hoạch giao các chốt, đội PCCC rừng làm băng cản lửa, mỗi đường băng có chiều rộng 10m và đốt có kiểm soát cỏ khô ven đường, đốt cục bộ dưới tán rừng để phòng ngừa trường hợp cháy lan. Đồng thời tăng cường trực PCCCR suốt 24/24 giờ tại các tháp canh lửa, các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Vườn quốc gia không xảy ra vụ cháy rừng.

Đẩy mạnh công tác PCCC rừng

Ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, bước vào mùa khô, Sở đã có văn bản chỉ đạo các huyện, xã có rừng, Ban quản lý rừng triển khai xây dựng kế hoạch, phương án PCCC rừng mùa khô 2019-2020. Cụ thể, thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương, có hiệu quả”.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ PCCC rừng; xử lý đốt trước thực bì để hạn chế cháy lan, cháy lớn; tổ chức, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra, canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện vào rừng- nhất là cao điểm mùa khô và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng trên địa bàn trong công tác PCCC rừng.

Mùa khô năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Trên thực tế, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã xảy ra 7 vụ cháy rừng trồng, với diện tích 6,8 ha, mức độ thiệt hại cây rừng từ 30% - 70%; 15 trường hợp cháy dưới tán rừng tự nhiên, với diện tích 8,55 ha và 1 trường hợp cháy lá cây rừng rụng, le dưới tán rừng trồng quốc doanh ở tiểu khu 54, do phát hiện được sớm và kịp thời chữa cháy nên thiệt hại không lớn.

Nguyên nhân dẫn đến việc “bà hoả” viếng rừng chủ yếu là do người dân sống gần rừng sản xuất sinh hoạt sử dụng lửa không kiểm soát. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan như tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài, địa bàn rừng rộng, dân cư sản xuất sinh hoạt ven rừng, gần rừng ý thức sử dụng lửa chưa tốt. Việc đầu tư xây dựng các công trình PCCC rừng, trang bị các phương tiện, công cụ chữa cháy rừng tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong tình hình khô hạn hiện nay.

Trước tình hình nêu trên, ông Đáo cho hay, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp PCCC rừng. Các Ban Quản lý rừng, các xã, đơn vị liên quan trên địa bàn, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân- nhất là dân sống ven rừng, gần rừng tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng.

Đồng thời đưa nội dung phòng, chống cháy rừng lồng ghép vào các cuộc họp trên địa bàn ấp, xã để tuyên truyền vận động; yêu cầu các hộ nhận khoán bảo vệ, trồng rừng cam kết thực hiện các quy định về an toàn PCCC rừng trong suốt mùa khô.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành PCCC rừng các huyện, thành phố có rừng tăng cường chỉ đạo Ban Quản lý rừng, các xã có rừng tiếp tục thực hiện tốt các nội dung phương án PCCC rừng; chú trọng rà soát, cập nhật, bổ sung nội dung phương án phù hợp với diễn biến, tình hình thời tiết trên các địa bàn rừng; tổ chức trực chỉ huy chữa cháy 24/24 giờ để sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra.

Ông Tạ Văn Đáo cho biết thêm, đơn vị thường xuyên thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Dân quân, chủ rừng và Biên phòng trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, PCCC rừng; điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp đốt, sử dụng lửa bừa bãi gây ra cháy rừng hoặc có hành vi vi phạm các quy định về PCCC rừng.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác PCCC rừng; cũng như đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án nâng cao năng lực PCCC rừng.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh