Theo truyền thuyết, xưa kia, vào một năm lụt lội một cây gỗ lớn từ đâu trôi dạt vào địa phận làng Thanh Khê, hàng trăm trai tráng trong làng cũng không vớt nổi đành phải dùng sào đẩy gỗ trôi đi...
Làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) cách Thành phố Nam Định chỉ 10 cây số nhưng vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ với những ngôi nhà nằm xen giữa màu xanh cây lá.
Đền Thanh Khê đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. |
Men theo con đường lát gạch nghiêng, một bên là cánh đồng mơn mởn lạc xuân, một bên là ruộng lúa non tơ trải dài ngút tầm mắt, chúng tôi tìm về Thanh Am động (đền Thanh Khê) - một trong những di tích lịch sử văn hoá gắn liền với những truyền thuyết dân gian và những hoạt động lễ hội đặc sắc của làng Thanh Khê. Đền Thanh Khê thờ Nam Toàn giáo chủ, Đại thánh phổ am, Đại pháp Thiền sư Linh quang Bồ tát. Theo truyền thuyết, xưa kia, vào một năm lụt lội một cây gỗ lớn từ đâu trôi dạt vào địa phận làng Thanh Khê, hàng trăm trai tráng trong làng cũng không vớt nổi đành phải dùng sào đẩy gỗ trôi đi. Lạ thay, trước dòng nước mạnh ngược chiều, gỗ lại quay về, qua một đêm, kỳ mộc đã an bài trên gò đất cao (khu vực đền Thanh Am ngày nay). Thấy sự kỳ dị, dân làng Thanh Khê đốt hương khấn nguyện, đồng thời lập đền thờ kỳ mộc, sau tạc tượng Đại thánh phổ am thiền sư từ cây gỗ quý ấy. Pho tượng hiện được thờ trong cung cấm của đền. Qua cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước nhỏ là đến 3 gian tiền đường, cung chính tẩm và cấm cung của Thanh Am động. Trước tiền đường là sân hẹp có bao lan, bình phong ngăn cách khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ và mấy chục loại cây thuộc miền sơn cước. Điều kỳ lạ là trong khu đất này có 32 cây cọ cổ thụ và 2 cây dáng dấp như người, có niên đại vài trăm năm tuổi, tương truyền đó là bàn cờ tiên 32 quân và 2 người điều khiển. Lối vào khu vực này vẫn còn 2 giếng ngọc, đời xưa gọi là 2 mắt long xà, bốn mùa nước trong xanh soi bóng cỏ cây hoa lá. Cùng với đền Thanh Am sạm màu rêu phong nằm giữa vườn cọ, làng Thanh Khê còn có ngôi đền thờ Đức Dương Cảnh là thành hoàng làng, phủ Thiên tiên thánh mẫu và ngôi chùa cổ kính. Tất cả tạo nên một quần thể di tích lịch sử văn hoá tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách thập phương. Hằng năm, rất nhiều hội hè đình đám diễn ra tại các đền, đình, chùa, phủ của làng nhưng đông vui nhất và hội tụ nhiều trò chơi dân gian độc đáo nhất là dịp chính hội 9-3 (âm lịch). Vào ngày này, bà con trong làng tạm gác công việc đồng áng, tham gia vào các hoạt động lễ hội như thi đánh cờ tướng, cờ người, chọi gà và nhiều trò vui độc đáo khác. Ngoài ra, bãi chơi đu phía trước sân đền cũng thu hút rất đông già trẻ, trai gái trong làng. Tục chơi đu ở đây đã có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử ngôi đền thờ thành hoàng. Trước đây, cứ vào chiều 30 Tết, dân làng lại nô nức rủ nhau đi chọn tre về làm cây đu. Đúng lúc giao thừa, cả làng tề tựu trước sân đình làm lễ đưa đu. Cụ tiên chỉ làng trang phục chỉnh tề, kính cẩn dâng hương, đọc bài văn tế đưa đu, sau đó một cao niên còn đủ sức khoẻ được dân làng tiến cử bước lên cây đu mở màn. Tiếp đến, nam nữ trong làng lần lượt chơi đu cho đến hết tháng Giêng.
Về với lễ hội làng Thanh Khê vào những ngày xuân, khi sắc xuân phơi phới trên bầu trời, mặt đất, du khách không chỉ được chìm đắm vào không gian văn hoá làng quê đậm đặc các trò chơi dân gian, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng thể hiện sự tri ân nguồn cội mà còn được trở về với thiên nhiên khoáng đạt của vùng đất này.
Đ.T (st)