Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội LHPN huyện Châu Thành: Chú trọng công tác dạy nghề tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn
Thứ năm: 20:43 ngày 09/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Không khí nhộn nhịp tại tổ đan giỏ nhựa giả mây xã Thành Long.

Trong những năm gần đây, Hội LHPN huyện Châu Thành luôn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập là “đòn bẩy” để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp với nhiều công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho chị em có thu nhập ổn định.

Người tiên phong mang nghề về triển khai tại ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh vào năm 2019 là bà Phạm Thị Nhị- nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Thạnh. Nghỉ hưu năm 2016, cuộc sống gia đình bà Nhị gặp nhiều khó khăn. Bà nghĩ, nếu chỉ chờ vào khoản chế độ hưu trí thì không thể khá giả. Sau một chuyến đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà đã tìm được một công ty đan bàn, ghế nhựa giả mây ở huyện Hóc Môn.

Tại đây, sau khi được học nghề, bà về thành lập tổ gia công và dạy nghề cho 15 chị do bà làm tổ trưởng. Tính đến nay, tổ gia công của bà Nhị đã giải quyết việc làm cho hơn 80 lao động nữ nông thôn trong xã và các xã lân cận như Hoà Hội, Biên Giới.

Không chỉ dạy đan ghế mà còn dạy thêm các mặt hàng khác như bàn, chậu cảnh, kệ 4 tầng. Mỗi mẫu hàng ra đời, công ty cử nhân viên kỹ thuật về tới nơi trực tiếp hướng dẫn. Giá đan bàn, ghế dao động khoảng 50.000 đồng/cái, còn chậu cảnh thì khoảng 100.000 đồng/cái. Bình quân mỗi ngày mỗi người có thể đan được 2 ghế hoặc 2 bàn với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng.

Các chị em phụ nữ của Tổ khởi nghiệp nghề may xã An Cơ đang thực hiện các công đoạn may quần áo.

Từ mô hình của Hội LHPN xã Hoà Thạnh có hiệu quả đối với lao động nông thôn, Hội LHPN huyện đã mở rộng sang các địa phương khác, trong đó có xã Thành Long. Tại đây, Hội LHPN huyện phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân “Bàn tay Việt”, thành phố Tây Ninh khai giảng lớp dạy miễn phí nghề đan giỏ nhựa giả mây, sau 10 ngày đào tạo, các học viên đã thạo nghề.

Từ ấp Thành Đông với 10 học viên, đến nay, xã Thành Long đã mở rộng ra 8/8 ấp trong xã, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động nông thôn. Thu nhập bình quân mỗi ngày từ 120.000 đồng đến 240.000 đồng/người.

Chị Lê Thị Kim Thuý- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thành Đông cho biết, ưu điểm của nghề đan giỏ nhựa là không ràng buộc về thời gian, khi đã thạo nghề, nếu không muốn làm tại cơ sở có thể nhận nguyên liệu (dây nhựa, khung bàn, ghế…) về nhà để làm khi rảnh rỗi, vừa quản lý được nhà cửa, vừa trông con, vừa tranh thủ làm, người nhà cũng có thể phụ làm thêm.

Bà Trần Thị Thu Linh, ngụ ấp Thành Nam phấn khởi nói: “Từ khi nhận hàng về làm, vừa lo được việc nội trợ, vừa kiếm thêm thu nhập mỗi tháng từ 5 đến 7 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, năm nay 71 tuổi, ngụ ấp Thành Nam, xã Thành Long cho hay: “Lúc mới làm chưa quen, các ngón tay đau, nhức khó chịu, đôi khi sản phẩm bị lỗi phải sửa. Nay làm quen tay, công việc cũng đơn giản, phù hợp sức khoẻ của những người lớn tuổi như tôi, mà lại có thêm thu nhập”.

Đến cơ sở phụ nữ khởi nghiệp từ nghề may xã An Cơ, chúng tôi thấy không khí làm việc tại đây rất khẩn trương, sôi động. Chị em phụ nữ thoăn thoắt may ráp các sản phẩm. Chị Vũ Thị Chung- Chủ tịch Hội LHPN xã An Cơ cho biết, Tổ phụ nữ khởi nghiệp từ nghề may của xã thành lập từ năm 2018, với 15 chị lúc ban đầu, sau thời gian vận động và hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp để mua máy may, đến nay tổ đã có hơn 40 lao động nữ thường xuyên làm việc.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành đến thăm cơ sở may tại xã An Cơ.

Chị Nguyễn Thị Anh Thư- ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ bộc bạch: “Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với rất nhiều đối tượng phụ nữ. Thời gian không gò bó, sáng sớm lo xong việc nhà là đi làm, nhiều hàng thì về trễ cũng không sao, thu nhập mỗi tháng từ 4 đến 7 triệu đồng".

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hường, ngụ ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh tchia sẻ: “Chồng tôi bị bệnh tai biến không làm được gì, con đang tuổi ăn học, không có đất canh tác. Từ khi tham gia tổ khởi nghiệp nghề may, tôi tranh thủ đi làm nên mỗi tháng cũng có thêm thu nhập khoảng trên 7 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn so với nhiều người, nhưng với tôi đã tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

“Từ mô hình đan giỏ nhựa, bàn ghế giả mây của xã Hoà Thạnh, Hội đã nhân rộng cho 7 xã trong huyện gồm Hoà Thạnh, Thành Long, Hoà Hội, Ninh Điền, Long Vĩnh, Thái Bình, riêng xã An Cơ tổ chức nghề may.

Đến nay đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nữ nông thôn. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức dạy nghề may miễn phí và giới thiệu việc làm cho hơn 1.300 chị em vào làm ở các xí nghiệp trong tỉnh.

Ngoài ra còn tổ chức 10 tổ đầu công giải quyết việc làm cho hơn 150 chị em với thu nhập từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày”- bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết.

Tố Tuấn-  Hà Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục