Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội LHPN Tây Ninh cần nghiên cứu nhu cầu khởi nghiệp của phụ nữ
Thứ bảy: 06:47 ngày 03/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là chỉ đạo của bà Phạm Thị Thanh- Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Tây Ninh về tình hình hoạt động Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và nhiệm vụ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh vào sáng 2.8.

Bà Phan Thị Thanh- Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao đổi các nội dung của Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tiếp và làm việc cùng đoàn. Buổi làm việc còn có sự tham gia của lãnh đạo Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh… 

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, Đề án 939 được triển khai, thực hiện với các mục tiêu cụ thể đã góp phần định hướng, tập trung hoạt động và huy động đa dạng nguồn lực xã hội chung tay giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự, phát triển kinh doanh; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội các cấp và các ngành trong công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. 

Hưởng ứng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, 6 tháng đầu năm, Tây Ninh có 87 dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia. Hội LHPN tỉnh chọn và hỗ trợ hoàn thiện 5 dự án/ý tưởng có tính khả thi, kết quả có 2 dự án được đi tiếp vào vòng sơ loại cuộc thi cấp vùng. 

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn” tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. Mô hình được thành lập với 50 thành viên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giúp thay đổi hành vi của các gia đình hội viên, phụ nữ, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Qua các ngày hội, những sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Tây Ninh sẽ được giới thiệu nhiều hơn đến với mọi người .

Các cấp Hội kết nối, huy động nguồn lực, hỗ trợ vốn cho 264 chị khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền trên 2,1 tỷ đồng; trao 5 xe bánh mì khởi nghiệp trị giá 50 triệu đồng cho 5 chị có nhu cầu tại huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng; kết nối, giới thiệu đầu ra các sản phẩm sản xuất, chăn nuôi, nông sản của các tổ hợp tác, tổ liên kết được hơn 153 tấn các loại với số tiền hơn 3 tỷ đồng; phối hợp tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu đào tạo nghề cho trên 500 lao động nữ có nhu cầu. 

Trong 6 tháng đầu năm, đã xét cho hơn 6.200 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 217 tỷ đồng; 1.583 hộ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền trên 179 tỷ đồng.

Qua các buổi giao lưu đã giúp nhiều cá nhân có thêm kinh nghiệm, tự tin trong khởi nghiệp.

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, các cấp Hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện có 82/94 cơ sở Hội có mô hình tiết kiệm tự quản; tổng số tiền tiết kiệm trên 17 tỷ đồng đã xét cho hơn 5.000 hội viên, phụ nữ khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình, mua BHYT, sửa chữa công trình phụ với lãi suất thấp, không lãi suất hoặc hỗ trợ không hoàn lại. Các cấp hội phối hợp Câu lạc bộ Nữ từ thiện tỉnh trao 35 con bò sinh sản cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn; huy động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ 756 chị khởi sự/phát triển kinh doanh, với số tiền 4,7 tỷ đồng…

Gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của Bến Cầu tại “Ngày hội Nông dân – Phụ nữ - Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2024 (ảnh: Vi Xuân).

Từ những kết quả đạt được, bà Phạm Thị Thanh- Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế của phụ nữ Tây Ninh. Tuy nhiên, với mô hình phát triển kinh tế như góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm… Hội LHPN tỉnh cần hướng dẫn chị em thực hiện theo Nghị định 19 về họ, hụi, biêu, phường đúng quy định luật pháp.

Bà Phạm Thị Thanh cũng đề nghị, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nghiên cứu nhu cầu khởi nghiệp của phụ nữ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, chính sách. Hội cần bám sát kết quả thực hiện của Đề án 939 để có những kiến nghị, đề xuất với tỉnh, Trung ương Hội cũng như có định hướng, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đề nghị Hội LHPN tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa trong việc vận động phụ nữ học nghề cũng như chọn lựa những nghề mà các chị có thể khởi nghiệp, làm chủ.

Khải Tường

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục