BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15.10.1930-15.10.2019)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Trảng Bàng: Nhiều mô hình dân vận thiết thực, hiệu quả 

Cập nhật ngày: 14/10/2019 - 11:59

BTN - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trảng Bàng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo, hoạt động phong trào có ý nghĩa, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống hội viên và người dân trên địa bàn huyện.

“Gian hàng 5.000 đồng” của Hội Phụ nữ xã Gia Bình thu hút nhiều hội viên, phụ nữ đến tham quan, mua sắm.

Nổi bật là mô hình “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm”. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trảng Bàng luôn quan tâm công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên Phụ nữ, người dân nâng cao nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật. Năm 2016, Huyện hội chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn xây dựng mô hình “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm”.

Mô hình đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của Ðảng uỷ, chính quyền địa phương các cấp, sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng, đặc biệt là thu hút được nhiều hội viên, phụ nữ, người dân tham gia. Ðến nay, toàn huyện đã thành lập được 6 tổ “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm” tại 6/11 cơ sở Hội ở các xã Lộc Hưng, Gia Lộc, An Hoà, An Tịnh, Phước Lưu, Phước Chỉ. 

Ðể nâng cao hiệu quả của mô hình, năm 2018, Huyện hội tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn thành lập mô hình “Móc khoá liên kết giữa hội viên, phụ nữ, cán bộ Hội và các ngành”. Móc khoá được thiết kế nhỏ gọn, chữ xanh in trên nền trắng, được in số điện thoại của Công an xã, Hội LHPN xã, để người dân khi gặp, phát hiện các vụ tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn, có thể báo ngay cho Công an hoặc Hội LHPN xã kịp thời xử lý. Từ mô hình, đã có 5.800 chiếc móc khoá cấp rộng rãi cho hội viên, phụ nữ, chủ nhà trọ, chủ cơ sở kinh doanh, nhân dân trên địa bàn huyện. Song song đó, Hội cơ sở cũng đã phối hợp Công an xã dán các số điện thoại như một đường dây nóng để người dân báo tin.

Có thể thấy, cả 2 mô hình “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm” và “Móc khoá liên kết giữa hội viên, phụ nữ, cán bộ Hội và các ngành” mang lại hiệu quả cao. Năm 2019, các thành viên trong mô hình và nhân dân đã cung cấp 149 nguồn tin có giá trị cho Công an huyện xử lý như: đánh bạc, đá gà, sử dụng chất ma tuý và các nhóm đối tượng thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây rối trật tự trên địa bàn xã. Ðến nay, mô hình được các cơ sở Hội duy trì, nâng chất có hiệu quả, trong đó, điển hình là xã Lộc Hưng.

Chị Phạm Hồng Tiếng- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Hưng cho biết, năm 2017, tổ “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm” được thành lập tại Chi hội ấp Lộc Phước. Mô hình khi mới thành lập gặp không ít khó khăn, các hội viên, phụ nữ, người dân chưa mạnh dạn tố giác, sợ bị trả thù, bị lộ thông tin người báo. Nhận thấy mô hình thiết thực với tình hình an ninh trật tự địa phương, lúc đó, Hội cùng với Chi hội Phụ nữ ấp Lộc Phước quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của mô hình đến hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn.

Hội trao trên 500 móc khoá có in số điện thoại của Công an xã, Hội LHPN xã cho hội viên phụ nữ, người dân địa phương, tạo sự thuận tiện, an toàn cho người dân khi tham gia tố giác tội phạm. Từ đó, mô hình dần tạo được niềm tin với người dân, thu hút được các hội viên, phụ nữ tham gia vào tổ, nâng tổng số thành viên của tổ từ 10 thành viên ban đầu lên 15 thành viên. Từ khi triển khai cho đến nay, nhân dân cung cấp cho công an 32 nguồn tin có giá trị.

Qua đó, công an đã làm việc với 16 đối tượng, lập hồ sơ xử phạt hành chính 12 đối tượng, cho làm cam kết 4 đối tượng. Ðặc biệt, trong năm 2019, Chi hội Phụ nữ ấp Lộc Phước đã tố giác 2 vụ lừa đảo bán hàng điện tử đa cấp, lắp đặt máy lọc nước trên địa bàn. Theo chị Phạm Hồng Tiếng, thông qua các hoạt động của mô hình, ý thức tự giác của người dân trên địa bàn được nâng lên, tích cực chấp hành quy định của pháp luật, mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm. Nhờ đó, tình hình tội phạm và tệ nạn trên địa bàn xã từng bước được kéo giảm.

Trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp ở Trảng Bàng còn xây dựng nhiều mô hình hoạt động có ý nghĩa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ tôn giáo. Ðiển hình là mô hình “Tổ Phụ nữ tôn giáo thực hiện phương châm sống tốt đời đẹp đạo”. Mô hình ra đời nhằm chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh nghèo, khó khăn trong cuộc sống, phát huy tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” của phụ nữ tôn giáo.

Ðến nay, trên địa bàn huyện có 6 tổ “Phụ nữ tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo” được duy trì và nâng chất, với 105 thành viên là phụ nữ tôn giáo ở các xã gồm Thị trấn, Gia Lộc, Hưng Thuận, Phước Chỉ, Phước Lưu, Lộc Hưng. Các thành viên trong tổ đã chung tay góp sức cùng Hội cơ sở chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống ở địa phương.

Ðơn cử như tổ “Phụ nữ sống tốt đời đẹp đạo” thị trấn Trảng Bàng. Tổ được thành lập từ năm 2017, hiện có hơn 30 thành viên. Chị Phan Hoài Ân- Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Trảng Bàng cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, tổ  trở thành ngôi nhà chung của các chị em phụ nữ trong đạo. Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được bổ sung kiến thức, kỹ năng về cuộc sống, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế và nâng cao hiểu biết về xã hội.

Các thành viên trong tổ đã vận động mạnh thường quân tặng 1.150 phần quà, xây 2 căn nhà Mái ấm tình thương, tổ chức phục vụ mai táng, trợ tang, cấp tế 47 trường hợp. Với hiệu quả của mô hình, sắp tới, Hội Phụ nữ thị trấn Trảng Bàng sẽ nhân rộng ra toàn bộ các khu phố có hội viên theo đạo.

Một cách làm hay, sáng tạo được Hội LHPN huyện Trảng Bàng triển khai có hiệu quả nữa đó là mô hình “Gian hàng 5.000 đồng”. Mô hình này được triển khai đầu tiên tại Hội Phụ nữ xã Gia Bình. Chị Vương Thị Kim Quyên- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Bình cho biết, gian hàng được ra mắt trong năm 2019 với mục đích tạo điều kiện chăm lo cho trẻ em, hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn.

Mô hình đã nhận sự ủng hộ đóng góp của các mạnh thường quân. Các sản phẩm của gian hàng rất phong phú gồm quần áo cũ, áo dài, tập sách, các nhu yếu phẩm... Mỗi sản phẩm bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng tuỳ loại. Toàn bộ số tiền thu được sẽ giúp đỡ cho những hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Trong năm, Hội tổ chức được 5 lần với các chủ đề khác nhau như: chuyên đề áo dài, quần áo cũ, cùng em đến trường, nhu yếu phẩm “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Qua 5 lần tổ chức, với hơn 400 lượt chị em tham gia, số tiền thu được từ gian hàng trên 7 triệu đồng. Từ số tiền này, Hội đã trợ cấp hằng tháng cho hai phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Bình Nguyên 1, mỗi tháng 10kg gạo và nhu yếu phẩm; tặng 10 cái cặp cho các em học sinh khó khăn; hỗ trợ 1,5 triệu đồng xây nhà vệ sinh cho một phụ nữ nghèo, tàn tật.

Với hiệu quả thiết thực, mô hình “Gian hàng 5.000 đồng” được nhân rộng ra các địa phương khác như xã Ðôn Thuận, Phước Lưu. Vào tháng 8.2019, Hội Phụ nữ xã Lộc Hưng cũng đã thành lập “Gian hàng không đồng” để giúp đỡ cho chị em hội viên các mặt hàng như: đường, dầu, bột ngọt, nước mắm, nước tương, gạo, mì gói…

Chị Nguyễn Thị Ðài Loan- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trảng Bàng cho biết, những mô hình mới này nhằm tập hợp, tuyên truyền, vận động chị em tham gia vào tổ chức Hội, tham gia các hoạt động do địa phương và tổ chức Hội phát động. Những mô hình này tạo điều kiện cho Hội được tiếp cận, gần gũi hội viên để giúp đỡ kịp thời, giúp cho chị em vươn lên trong cuộc sống.

Từ đó, hội viên Phụ nữ thêm tin tưởng, gắn bó và tích cực tham gia xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì, nâng chất và nhân rộng các mô hình, phát huy hơn nữa vai trò của các tầng lớp phụ nữ, tổ chức Hội trong thực hiện giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

CHÂU PHA