Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội ném còn Việt - Lào - Trung: Ngày hội của sắc màu

Cập nhật ngày: 29/10/2013 - 09:06

Những ngày qua người dân TP.Điện Biên và nhiều du khách đã được sống trong không khí tưng bừng của Lễ hội Ném còn ba nước Việt - Trung - Lào đậm sắc màu văn hoá, hữu nghị…

Không nặng về thi đấu

Ném còn từ bao đời nay đã là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hoá không chỉ của người Thái Tây Bắc (Việt Nam) mà cũng còn là của dân tộc 2 nước bạn Lào, Trung Quốc có chung đường biên giới. Đây vừa là môn thể thao giải trí lành mạnh lại vừa mang màu sắc tâm linh, ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Đồng bào Thái dự thi ném còn tại lễ hội.

Dù có sự khác biệt trong những sắc màu trang phục trên người, bất đồng trong ngôn ngữ thể hiện, song, hơn 300 vận động viên, diễn viên đến từ 6 địa phương của 3 nước Việt - Trung - Lào đã cùng tụ họp về đây, mang những sắc màu văn hoá đặc trưng nhất của dân tộc mình để thi thố, với một mục đích chung là quảng bá hình ảnh về dân tộc mình, đất nước mình.

Nằm ở khu vực ngã ba biên giới, tiếp giáp với huyện Nhọt U (Lào) và huyện Giang Thành (Trung Quốc), năm nay, lần đầu tiên TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) được đăng cai tổ chức Lễ hội Ném còn 3 nước Việt - Lào - Trung.

Vận động viên Cà Thị Dinh (đoàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Chúng tôi quen với cách ném còn của người Thái mình là ném lên cao, qua khung tròn nên phải dùng lực và sự khéo léo. Còn ném còn theo kiểu nước bạn thì vẫn cần sự khéo léo nhưng lại phải nhẹ nhàng. Mỗi kiểu có cái khó và nét đặc trưng riêng. Nhưng đến đây được chơi, được thể hiện nét văn hoá của dân tộc mình với bạn bè quốc tế là chúng tôi vui rồi”.

Lễ hội Ném còn 3 nước Việt - Lào - Trung lần thứ 3 tại TP.Điện Biên Phủ diễn ra trong 3 ngày (25 đến 27.10.2013) với 8 nội dung thi đấu: Ném còn, bắn nỏ, tù lu, đẩy gậy, kéo co, quần vợt, thi người đẹp với trang phục dân tộc, thi ẩm thực.

Ông Nguyễn Xuân Quang- Phó Chủ tịch UBND TP.Điện Biên Phủ cho biết: “Trước khi lên kế hoạch tổ chức lễ hội, chúng tôi đã có cuộc họp giữa 3 nước để thống nhất nội dung cũng như hình thức thi đấu. Chính vì vậy các đội đều được chuẩn bị từ trước để có sự thoải mái nhất, tinh thần tốt nhất đến tham gia lễ hội”.

Thể hiện bản sắc văn hoá đất nước

Vận động viên Sang Chăn, đoàn huyện Nhọt U (tỉnh Phoong Sa Ly, Lào) cho biết: “Trước khi đến với hội thi, chúng tôi đã được phổ biến cụ thể nội dung thi đấu và có thời gian để luyện tập cũng như chuẩn bị tinh thần. Vì vậy chúng tôi tham gia với tâm lý hết sức thoải mái”.

Cũng với tâm trạng hết sức thoải mái, vận động viên Lý Thị Chung (đoàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tâm sự: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự vì được đại diện cho huyện, tỉnh và đất nước mang nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình đến với lễ hội. Đây cũng là dịp để chúng tôi giao lưu, học hỏi những nét đặc sắc trong văn hoá của các địa phương, nhất là 2 nước bạn Lào và Trung Quốc”.

Là đoàn có số lượng vận động viên và diễn viên đông nhất (hơn 60 người), đoàn huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) mang đến lễ hội những nét dân tộc đặc trưng nhất.

Trong bộ trang phục truyền thống, vận động viên Bành Ngọc Anh (đoàn Giang Thành, Trung Quốc) chia sẻ, đây là lần thứ 3 bạn tham gia hội thi. Bạn rất háo hức vì được mang bản sắc văn hoá của dân tộc và đất nước Trung Quốc giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, lễ hội đã thực sự là nơi để sắc màu văn hoá dân tộc 3 nước Việt – Lào – Trung được thăng hoa...

Theo Dân Việt