Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị COP29 khai mạc tại Baku, Azerbaijan
Thứ ba: 08:18 ngày 12/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan với sự tham dự của hơn 51.000 đại biểu đến từ gần 200 nước trên thế giới.

Khai mạc hội nghị COP29 tại Azerbaijan. (Ảnh: AP) 

Các cuộc thảo luận về quỹ tài chính khí hậu mới cũng như việc sửa đổi chính sách thương mại dự kiến sẽ là trọng tâm của các vòng đàm phán kéo dài từ 11-22/11/2024 trong khuôn khổ COP29. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang hoành hành tại nhiều khu vực trên toàn thế giới, từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ngoài ra, năm 2024 cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử với nền nhiệt tăng theo cấp số nhân.

Trong số gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Baku, những bên đóng vai trò chính bao gồm: Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới, duy trì quan điểm cho rằng các nước phát triển nên dẫn đầu trong hành động và tài chính về khí hậu; Mỹ - nước phát thải lớn thứ hai và Liên minh châu Âu (EU) – một khu vực đóng góp lớn cho tài chính về khí hậu. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP29 được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khuôn khổ COP29, các bên sẽ đàm phán Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) — một mục tiêu tài chính khí hậu tham vọng hơn, minh bạch hơn và có thể dự đoán được nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một thỏa thuận lên tới 1 nghìn tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển cũng nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của COP29. Thỏa thuận này sẽ thay thế cam kết 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển đã đưa ra vào năm 2009 để hỗ trợ các nước đang phát triển. Mục tiêu này sau đó đã được thông qua và gia hạn đến năm 2025 trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Mức cam kết ban đầu 100 tỷ USD được cho là không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế cùng với việc các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay.

COP29 cũng là sự kiện cuối cùng trước thời hạn tháng 2/2025 để cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), từ đó tạo động lực cho các cam kết khí hậu quốc gia tham vọng hơn. Điều quan trọng là NDC phải phản ánh kết quả của đánh giá toàn cầu (GST) được thông qua tại COP28, đặc biệt là quyết định mang tính lịch sử về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy tắc cho giao dịch carbon quốc tế theo Điều 6 cũng là nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của COP29. Các cuộc đàm phán tiến triển đều đặn đã mở ra hy vọng để các chuyên gia tin rằng có thể đạt được đột phá trong năm nay. Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán đầy đủ có thể bắt đầu, chương trình nghị sự cụ thể trước tiên phải được thông qua và đây cũng là ưu tiên trong ngày làm việc đầu tiên của COP29./.

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục