Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị toàn quốc về phát triển các Ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam
Thứ bảy: 08:54 ngày 23/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 22.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hoá - thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương liên quan; Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hoá; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá. Hội nghị được trực tuyến tới Bộ VH-TT&DL và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, UB.MTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá thời gian qua; nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hoá Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất những giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập, nhất là trong cơ chế, chính sách.

Tại hội nghị, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo đánh giá về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ những con số đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hoá bao gồm điện ảnh, du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ. 

Theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp văn hoá ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm dịch vụ của ngành công nghiệp văn hoá chưa thực sự được khai thác hiệu quả. Đây cũng là những vấn đề mà các hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hoá đang băn khoăn, trăn trở. 

Các ý kiến tại hội nghị đã đưa ra các ví dụ cụ thể và những bài học kinh nghiệm từ các nước thành công về công nghiệp văn hoá và cho rằng, cơ chế chính sách chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hoá phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam rất đáng trân trọng.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong giai đoạn mới. Các bộ ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ VHTT&DL nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 ngàn tỷ đồng cho Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong giai đoạn mới.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hoá, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hoá có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hoá, công nghiệp văn hoá.

Không gian trên đỉnh núi Bà Đen thu hút nhiều du khách.

Đối với các hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo: Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tâm huyết năng động, sáng tạo và vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, tích cực tham gia nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục