Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 6.8, Ủy ban quốc gia về trẻ em tổ chức Hội nghị trực tuyến về bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, với sự tham dự của 18.000 đại biểu tại 675 điểm cầu trong cả nước.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
Thống kê của Bộ LĐTB&XH, 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3%; bởi người quen, hàng xóm 59,9%, người lạ 12,6%... Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1- 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có những trẻ em tuổi mầm non. Hầu hết các vụ bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vẫn còn không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần.
Vẫn còn không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết- Ảnh minh hoạ.
Con số khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành xâm hại tình dục theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH không phải là con số thực tế. Ngoài 2.000 trường hợp bị bạo hành, xâm hại được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ và đưa vào số liệu thống kê, vẫn còn nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân bất cập và các giải pháp cụ thể, trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách; cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.
Đối với cấp bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền...
Tâm Giang