Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT
Chủ nhật: 10:13 ngày 20/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 18.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu Tây Ninh, hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Sở TTTT, Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT có 113 loại cơ sở dữ liệu (CSDL) và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, công việc chuyên môn trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản...

Một số CSDL đã được triển khai nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành chung của Bộ. Cụ thể: Phần mềm CSDL thống kê đã vận hành, đáp ứng được mục tiêu tổng hợp, xử lý báo cáo thống kê của 63 tỉnh, thành; phân hệ chức năng cập nhật trực tuyến số liệu về kết quả thực hiện thống kê, kiểm tra, thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cài đặt và vận hành tốt.

Cơ sở dữ liệu giám sát đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành đã vận hành từ đầu năm 2020 và triển khai tới các đơn vị thuộc Bộ và 63 Sở NN&PTNT. Nội dung gồm các số liệu thống kê, báo cáo phục vụ giao ban hàng tháng của Bộ, theo dõi đánh giá kế hoạch ngành hàng năm, 5 năm và các chiến lược; các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triền bền vững.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quản lý các dự án đầu tư hỗ trợ thu thập, quản lý thông tin và lập báo cáo giám sát đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư. Sau 8 năm vận hành, CSDL (http://mic.mard.gov.vn) đã thu được một số thành quả tích cực: hầu hết các dự án báo cáo hàng tháng theo hình thức trực tuyến, tỷ lệ các dự án được báo cáo liên tục tăng trong những năm gần đây, bình quân hàng tháng đạt 97%; thiết lập được mạng lưới báo cáo với trên 300 người sử dụng, thành thạo quy trình cập nhật, xử lý thông tin.

Nhiều đơn vị đã chủ động cập nhật số liệu thực hiện từ các năm trước, số liệu vốn địa phương để bảo đảm thông tin thể hiện đầy đủ và chính xác. Hệ thống cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tốt so với các tỉnh và bộ ngành khác.

Cơ sở dữ liệu thông tin thị trường được hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để xây dựng phần mềm và kinh phí xúc tiến thương mại để thu thập giá của các mặt hàng nông sản tại 17 tỉnh, thành trên cả nước và các sàn giao dịch trên thế giới, nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ cũng như Ban chỉ đạo thị trường nông sản một cách kịp thời.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đánh giá việc đầu tư xây dựng hệ thống các CSDL của Bộ hiện nay còn phân tán, rời rạc, không liên kết, chia sẻ và tích hợp được với nhau dẫn đến số liệu bị chồng chéo và không thể tạo ra được các báo cáo tổng hợp có nhiều chỉ tiêu liên qụan với nhau.

Phần lớn các CSDL lạc hậu về công nghệ dẫn đến không hiệu quả trong việc quản lý, khai thác. Do đó, cần thiết phải xây dựng các hệ thống CSDL chuyên ngành của Bộ theo hướng tích hợp, tập trung, thống nhất nhằm chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyển đổi số của Bộ.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ NN&PTNT về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên, do được đầu tư theo các chương trình, kế hoạch, dự án khác nhau, thời gian triển khai kéo dài, thiếu quy hoạch thiết kế tổng thể nên còn rời rạc, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp, chưa tận dụng tối đa năng lực hạ tầng kỹ thuật sẵn có cho các nhiệm vụ cần triển khai ngay. Vì vậy, cần thiết phải được đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng Bộ đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ giai đoạn 2021 – 2025.

Hội nghị đã thảo luận các vấn đề như: cách thức tham gia các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; dùng smartphone trong hỗ trợ phát hiện sâu bệnh, biện pháp xử lý; bảo vệ thương hiệu nông sản; chuyển đổi số trong cảnh báo thiên tai để người dân phòng tránh; xây dựng dữ liệu về cơ sở chế biến kết nối với vùng nguyên liệu; đo lường tác động của các chính sách…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số giúp thay đổi vị thế và thứ hạng, ai đi trước người đó có nhiều cơ hội hơn. Khó khăn hiện nay của người nông dân là không bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, sản phẩm không có thương hiệu… vì thế, mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn.

Một sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được các khó khăn trên, nhưng sàn này phải kết nối được nông dân và người tiêu dùng; nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón. Các công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy.

Các doanh nghiệp bưu chính trong nước cũng đã đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ đồng hành cùng với Bộ NN&PTNT trong việc phổ cập các ứng dụng công nghệ số để nâng cao đời sống bà con.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, hội nghị không chỉ dừng lại ở chủ đề về chuyển đổi số mà còn là tư duy phát triển của một ngành, một lĩnh vực. Phát triển nông nghiệp phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị mà chuyển đổi số sẽ góp phần mang lại giá trị cho sự thay đổi này. Sau hội nghị, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT, cũng như giải quyết những vấn đề được đặt ra trong hội nghị.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục