Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX diễn ra từ ngày 15-18/7 tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của hơn 370 ủy viên và ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đang thu hút sự chú ý lớn.
Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: vimiss.vn)
Hội nghị là sự kiện đặc biệt quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với thách thức về tăng trưởng và các tác động từ căng thẳng địa chính trị từ bên ngoài.
Thời cơ đan xen thách thức
Hội nghị Trung ương ba thường được tổ chức năm năm một lần và một năm sau Đại hội Đảng toàn quốc. Tuy nhiên, Hội nghị lần này được tổ chức sau gần hai năm, kể từ khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX bế mạc vào tháng 10/2022. Hội nghị Trung ương ba luôn gắn liền với các quyết sách lớn của Trung Quốc, đóng vai trò định hướng trong công cuộc cải cách mở cửa từ năm 1978, góp phần thúc đẩy kinh tế nước này phát triển bùng nổ trong hơn bốn thập kỷ qua.
Theo các nhà quan sát, Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn giảm tốc nhưng còn nhiều tiềm năng và cơ hội bứt phá. Tác động sâu rộng và dài hạn của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị đã khiến tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với thách thức.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện gặp phải các vấn đề như khủng hoảng bất động sản, nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm, đầu tư tư nhân trì trệ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/7 cho thấy, tăng trưởng của nước này trong quý II năm nay chỉ đạt 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,3% của quý I cùng năm.
Mặc dù tồn tại không ít thách thức nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Về ngắn hạn, số liệu của NBS cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang trên đà tiến tới mục tiêu tăng trưởng 5% GDP trong năm 2024. Về dài hạn, các động lực mới của kinh tế Trung Quốc đã hình thành, tích lũy, phát triển và đang ở giai đoạn sẵn sàng bứt phá.
Bên cạnh đó, chuỗi ngành nghề và triển vọng tiêu dùng không ngừng mở rộng về quy mô và chiều sâu; mở cửa chất lượng cao và ưu thế cạnh tranh được nâng cao; mô hình phát triển trong đó các ngành nghề sản xuất mới và cũ có sự chuyển giao đang dần xuất hiện là các nhân tố tích cực cho tăng trưởng ở Trung Quốc trong thời gian tới.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn chuyển giao giữa mô hình kinh tế cũ và mới. Mô hình phát triển cũ tập trung đầu tư và kích thích tăng trưởng dẫn đến sự phát triển ồ ạt của nhiều ngành nghề với chất lượng thấp, sự mất cân bằng giữa chính sách cắt giảm thuế, phí và vấn đề tài chính, cùng với tác động của dịch bệnh khiến cho sự phát triển kinh tế bị chững lại. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc cần chuyển sang mô hình phát triển tối ưu hóa cơ cấu ngành nghề, phát triển động lực nội sinh của nền kinh tế và kiểm soát đầu tư hiệu quả.
Tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa
Các kỳ Hội nghị Trung ương ba trước đó cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đều lấy cải cách và thúc đẩy phát triển làm mục tiêu chính. Hội nghị Trung ương ba khóa XI (1978) mở đầu cho công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Hội nghị Trung ương ba khóa XVIII (2013) đề xuất đi sâu cải cách toàn diện, nhấn mạnh “thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực”. Hội nghị Trung ương ba khóa XIX (2018) thông qua kế hoạch đi sâu cải cách cơ cấu Đảng và nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương ba khóa XX được kỳ vọng sẽ tiếp tục công cuộc cải cách, hiện đại hóa bám sát hai mục tiêu chính là “thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và “tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện”, phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, cải cách hệ thống tài chính, sở hữu nhà nước, đổi mới doanh nghiệp...
Nguồn Baoquocte.vn