BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội PN xã Long Thành Bắc: Lận đận... kinh tế hộ gia đình

Cập nhật ngày: 06/10/2011 - 11:05

Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành) cho biết, toàn xã Long Thành Bắc có gần 4.000 hội viên tham gia các ngành nghề như buôn bán, dịch vụ, may mặc, se nhang… Mấy năm trước đây, chị em phụ nữ còn được giới thiệu mô hình làm kinh tế gia đình từ dự án trồng nấm bào ngư và trồng rau mầm.

Thấy nghề trồng nấm bào ngư có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chăm sóc lại đơn giản nên khi Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Sở Khoa học và  Công nghệ tổ chức chuyển giao kỹ thuật, nhiều chị em ở xã hăng hái rủ nhau đăng ký theo học. Qua khoá học, chị em cũng được hướng dẫn tận tình. Thế nhưng… “meo nấm do cán bộ giảng dạy mang đến khoá học thì cho nấm rất tốt. Gói meo to bằng cổ chân, vài lần hái nấm thì sụp xuống bằng nắm tay vẫn còn ra nấm trắng muốt, tươi xốp. Vậy mà khi chị em tự đi mua về trồng (tại nơi cán bộ giảng dạy hướng dẫn) thì meo… “sượng trân”. Tưới mãi, tưới mãi, sau cùng cũng mọc ra vài tai nấm “màu cà phê sữa” rồi… chết luôn. Chị em điện thoại hỏi nhiều lần, nơi bán trả lời vòng vo mãi rồi không thèm nghe máy. Đợt đó mấy chục chị em trồng nấm bào ngư ở xã đều bị lỗ. Bây giờ nói đến nấm bào ngư là chị em… ngán tận cổ”- chị Hạnh nói một thôi dài như bày giãi nỗi bức xúc.

Năm 2011, lớp hướng dẫn trồng rau mầm của Hội Phụ nữ kết hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức ra đời, ít nhiều mang lại niềm hứng khởi cho chị em phụ nữ địa phương muốn cải thiện kinh tế gia đình. Rau mầm được trồng từ hạt cải bẹ xanh, cải củ. Đây là loại rau rất “tiểu thư”, phải chăm sóc kỹ, ngoài tro trấu còn phải trải lớp khăn giấy, rồi phun nước bằng bình phun sương. Tuy nhiên công việc cũng nhẹ nhàng, không cần phải dang nắng, phụ nữ nào cũng có thể làm được. Rau làm ra được bán cho các sạp ở chợ Long Hoa. Về mặt lý thuyết, đây là mô hình có thể mang lại thu nhập không nhỏ cho chị em. Thế nhưng, tình hình thực tế cũng diễn ra như với nấm bào ngư: hạt giống rau mầm do cán bộ hướng dẫn khoá học mang đến thì lên tốt. Còn hạt giống do chị em tự mua về trồng thì lại phát triển rất “ạch đụi”, hiệu quả không cao do cây rau mầm cứ lên được 2-3cm rồi… đứng đó, và từ từ “rục” hết dù các chị vẫn chăm sóc đúng theo hướng dẫn.

Một cái khó nữa là ở đầu ra của sản phẩm. Một hộ gia đình không thể sản xuất 5-10kg rau mỗi ngày để bỏ mối cho các sạp rau ở chợ, nhưng nếu giao lẻ tẻ một vài ký thì các chủ sạp không ưng, lý do “cân kéo lắt nhắt, mất công”. Vậy là người bán phải năn nỉ người mua và tất nhiên là phải bán với giá rẻ.

Cái khó tiếp theo là rau mầm rất kén thời tiết. Lạnh quá hay nóng quá đều không phát triển được. Các chị làm kinh tế gia đình ở Long Thành Bắc như chị Nhì, chị Quỳnh, chị Hân… lúc mới bắt tay trồng rau mầm đã rất phấn khởi khi thấy chỉ sau một tuần gieo hạt, rau đã lên xanh um nhưng chỉ mới cao được một vài phân thì đụng phải thời tiết bất lợi, do mưa nhiều rau không thèm phát triển nữa mà từ từ… gục xuống rồi mốc trắng trùm lên. Chuyện cây rau kén thời tiết và cái nghịch lý: có rau để bán thì giá không cao, còn khi giá cao thì không có rau để bán đã khiến cây rau mầm ở Long Thành Bắc đi vào ngõ cụt.

Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Long Thành Bắc đang tiếp tục đặt hy vọng vào lớp hướng dẫn trồng nấm rơm phòng. Theo chị Hạnh, làm nấm rơm phòng ít khả năng rủi ro hơn do cây nấm không kén thời tiết, meo nấm cũng thông dụng chứ không phải “độc quyền” mà giá sản phẩm cũng khá cao. Không biết lần này, phong trào làm kinh tế hộ gia đình của các chị em phụ nữ ở xã Long Thành Bắc có hết… lận đận?

THUỲ TRANG