Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội quán – hướng đến phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao​
Thứ năm: 11:17 ngày 14/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mô hình hội quán là mô hình mới được thành lập tại Tây Ninh vào đầu năm 2024. Mặc dù mới được thành lập, nhưng mô hình đã và đang làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tham gia sinh hoạt, thành viên hội quán mãng cầu được giới thiệu các loại chế phẩm sinh học và phần mềm bón phân giúp cây sinh trưởng tốt.

Thay đổi nhận thức

Hội quán hoạt động với phương châm “3 không - 3 tự - 3 cùng” gồm: Không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách Nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định và cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, hướng đến sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm bao gồm cả cách liên kết, hợp tác của nông dân trên một nền thiết chế cộng đồng mới, cùng nhau phát triển và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong thời gian vừa qua ngành nông nghiệp đã mạnh dạn thí điểm hai mô hình hội quán, gồm Hội quán sầu riêng Bàu Đồn tại huyện Gò Dầu và hội quán mãng cầu tại huyện Tân Châu. Các hội quán này đã bước qua kỳ sinh hoạt lần thứ ba, bước đầu đã đem lại không khí mới cho những người dân.

“Khi mời người dân ngồi với nhau tại hội quán, chúng ta có dịp được nghe các nhà khoa học đến trao đổi kiến thức, mời các doanh nghiệp đến để chào bán các sản phẩm, giới thiệu các sản phẩm cho người dân có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn. Hay là người dân có thể chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm phòng, trừ sâu bệnh, kinh nghiệm tạo trái, kinh nghiệm làm sao để chúng ta đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất và bán được sản phẩm với giá tốt nhất” – ông Xuân nói.

Hội quán được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân trồng mãng cầu quanh khu vực chân núi Bà Đen, với diện tích khoảng 600 ha.

Để đưa mãng cầu từng bước chinh phục thị trường lớn trên thế giới, những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung đã chuyển dần sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ. Quy trình sản xuất chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phòng trị một số loài côn trùng gây hại trên cây trồng.

Nhằm góp phần giúp nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả, tháng 5.2024, HTX đứng ra thành lập Hội quán mãng cầu Tây Ninh với những hội viên ban đầu là thành viên của HTX. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, hội quán đã thu hút đông đảo người dân trồng mãng cầu tại huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh tham dự và trở thành nơi nông dân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mô hình hiệu quả; đồng thời là kênh trao đổi giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể, nhà khoa học, doanh nghiệp; giúp hội viên, nông dân nắm bắt, tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật, những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Lê Văn Đẹp, ngụ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu là thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung. Ông Đẹp đã từng bước chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học nào phù hợp để cây sinh trưởng tốt và bảo đảm hàng có thể xuất khẩu đi các thị trường lớn thì gia đình ông còn đang loay hoay.

“Khi tham gia Hội quán, tôi được HTX, các chuyên gia hướng dẫn, tập huấn thêm về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc. Chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Hai nội dung này cộng lại mới ra cây trồng của riêng mình, chất lượng tốt” – ông Đẹp khẳng định.

Hay mới đây, khi vấn nạn trộm mãng cầu khi sắp đến ngày thu hoạch. Tại buổi sinh hoạt lần thứ 3 vừa qua, người dân đã phản ánh vấn đề này đến chính quyền địa phương và lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Đại úy Thiệu Văn Việt – Trưởng Công an xã Tân Hưng  trả lời kiến nghị của người dân tại một buổi sinh hoạt của hội quán mãng cầu.

Trả lời phản ánh của người dân, Đại uý Thiệu Văn Việt – Trưởng Công an xã Tân Hưng cho biết, trong thời gian tới, các vườn mãng cầu gần thu hoạch và trong thời gian thu hoạch, nông dân thông báo với cơ quan Công an để đơn vị bố trí lực lượng tuần tra khu vực, nếu phát hiện trộm sẽ xử lý ngay. Đồng thời tuyên truyền người dân một số phương thức phòng, chống tội phạm trộm mãng cầu, hướng xử lý khi phát hiện đối tượng…

Phản hồi của cơ quan chức năng và địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân tham gia buổi sinh hoạt.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Có thể thấy, dù mô hình hội quán tại Tây Ninh mới đi vào hoạt động và đến nay mới có 2 hội quán được thành lập trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên theo đánh giá của Sở NN&PTNT, qua quá trình hoạt động, các hội quán chính là kênh trao đổi, chia sẻ giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể; góp phần vào việc thay đổi tư duy, nhận thức trong việc nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, thành lập thêm những hội quán tại các địa phương, giúp người dân kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Khi làm thí điểm thành công, chúng tôi sẽ báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Nếu có văn bản chính chức về việc hoạt động các hội quán, các địa phương có thể căn cứ vào đó mở thêm nhiều hội quán.

Nếu địa phương có đủ điều kiện nên thành lập. Khi có thêm kênh thông tin, bà con tập hợp lại trao đổi những vấn đề về thời sự - chính trị, chuyên môn, sản xuất... Qua đó, bộ mặt nông thôn, đời sống nông thôn thêm phong phú, đa dạng và nền kinh tế nông thôn cũng ngày càng phát triển”.

Bà Lê Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ cùng Sở NN&PTNT và các đơn vị của các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục thành lập các hội quán để nhân rộng mô hình này, tạo nơi giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm mục đích phát triển sản xuất và ngày càng nâng cao giá trị nông sản”.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục