Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kể từ khi bến đò Long Khánh đi vào hoạt động trở lại, đời sống kinh tế người dân trong xã có chuyển biến tích cực, có thêm công ăn việc làm cho người lao động…

Thời gian thấm thoát đã gần 30 năm, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những con đò xuôi từ bến đò Long Khánh của huyện Bến Cầu về bến đò Cẩm Giang của huyện Gò Dầu.
Hồi ấy, đường sá chưa thông thương nên việc đi lại của người dân ở Bến Cầu còn gặp nhiều khó khăn. Bến Cầu như một ốc đảo, người dân ở huyện biên giới này muốn về thị xã Tây Ninh hoặc ngược xuống Gò Dầu đều phải đi đò. Do vậy, bến đò Long Khánh ngày ấy rất nhộn nhịp, luôn tấp nập ghe tàu của các thương lái ở các tỉnh miền Tây đến chen chúc neo đậu, trao đổi mua bán. Còn tàu chở khách thì hối hả ra vào bến đưa rước khách. Tôi còn nhớ, lúc đó ở bến đò có một chiếc tàu chở khách rất to với trọng tải cả trăm tấn, mà mọi người quen gọi là “tàu bà Năm”. Có lẽ do con tàu quá lớn nên tàu phải có một “hoa tiêu” điều khiển với chiếc gậy gõ đều đặn trên mui tàu mỗi khi vào bến hoặc ghé dọc theo sông rước khách. Còn hành khách lúc ấy muốn đi tàu, hay đi đò thì chỉ cần dùng bất cứ vật gì có màu trắng treo trên cành cây ven sông là chủ tàu, chủ đò sẽ biết mà ghé đón.
![]() |
Những người lao động tại địa phương có thêm công ăn việc làm từ nghề bốc vác tại bến tàu Long Khánh |
Sau khi chiếc cầu sắt cũ kỹ của cầu Gò Dầu được thay thế bằng chiếc cầu bê tông hiện đại thì bến đò Long Khánh cũng thưa dần khách sang sông. Bến đò không còn nhộn nhịp hối hả như những năm trước, chỉ còn những chuyến đò muộn màng đưa rước những người khách sang Cẩm Giang hoặc ngược về thị xã Tây Ninh. Dần dần, cầu Gò Chay cũng được xây dựng nối liền Thị xã với Bến Cầu nên bến đò Long Khánh càng thêm thưa dần khách sang sông. Hình ảnh những chuyến đò dần lui về dĩ vãng, bến đò Long Khánh cũng trở nên đìu hiu, vắng bóng ghe tàu thương hồ.
Khi bến chợ Long Thuận trở thành bến tạm, cho các loại ghe tàu thương lái ở các tỉnh miền Tây neo đậu ngay dưới chân cầu Long Thuận đã gây nên cảnh ách tắc giao thông đường thuỷ. Để giải quyết việc này, tỉnh đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng để sang lấp, sửa chữa mặt bằng của bến đò Long Khánh trước đây, đồng thời nạo vét lòng rạch để các loại tàu có trọng tải lớn có thể ra vào bến nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân trao đổi mua bán hàng nông sản. Việc làm thiết thực này đã tạo điều kiện cho bến đò Long Khánh hồi sinh trở lại. Vào vụ thu hoạch lúa, trên bến đò Long Khánh ngày xưa, nay là bến tàu hằng ngày có đến hàng trăm tấn lúa của bà con nông dân trong xã và những xã lân cận tập trung về đây để bán cho thương lái các tỉnh miền Tây, nhờ vậy mà thu hút rất đông số lao động nhàn rỗi trong và ngoài địa phương. Anh Phạm Văn Thanh, một người tham gia trong đội bốc vác ở bến tàu Long Khánh vui vẻ cho biết: “Hằng ngày, anh em bốc vác ở đây cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng. Còn như lúc lúa rộ anh em phải chia ra nhiều ca để bốc vác cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng. Chị em phụ nữ thì cũng có việc làm thêm là nhận phơi lúa thuê cho thương lái, nhờ vậy mà đời sống của người nghèo ở xóm bến đò ngày nào nay đã có phần giảm bớt khó khăn”.
Thật vậy, kể từ khi bến đò Long Khánh đi vào hoạt động trở lại, đời sống kinh tế người dân trong xã có chuyển biến tích cực, có thêm công ăn việc làm cho người lao động, bà con nông dân cũng yên tâm khi có nơi trao đổi mua bán hàng nông sản mà không lo bị thương lái ép giá. Tình hình an ninh trật tự ở bến cũng rất tốt, trong nhiều năm qua, chưa có xảy ra vụ mất trộm nào, hay gây gổ trong khu vực bến bãi. Tuy nhiên, hiện bến tàu Long Khánh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đó là có nhiều chỗ bị sụt lún, lan can xung quanh bến hầu như hư hỏng hoàn toàn và đèn chiếu sáng thì cũng không có, người dân tự câu móc đèn để bến có thể hoạt động vào ban đêm…
Bến tàu Long Khánh ngày nay không chỉ là một địa điểm giao thương quen thuộc của người dân Bến Cầu mà còn là cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà. Vì thế, việc nâng cấp sửa chữa lại bến tàu và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng nông sản của người dân, ghe tàu ra vào bến là việc cần thiết nên làm ngay.
Minh Tiên