Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
"Hồi sinh" cây thốt nốt ở Khedol
Thứ bảy: 22:55 ngày 08/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cây thốt nốt ở Khedol thường được người dân Tây Ninh gọi là “cây tình yêu”, hay thốt nốt tình yêu. Vì không phải một cây, mà là một đôi thốt nốt nghiêng tựa vào nhau, quấn quýt giữa đồng lúa mênh mang.

Cặp cây thốt nốt tình yêu nổi tiếng ở Tây Ninh (Ảnh: Hà Thế Bảo)

Không ai biết đôi thốt nốt này bao nhiêu tuổi? Chỉ biết rằng, chúng lớn lên từ rất lâu giữa cánh đồng Khedol bình yên.

Nằm cách núi Bà Đen không xa, Khedol (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh) được nhiều người biết đến là một khu vực cánh đồng lúa xanh mướt, đầy nắng và gió. Giữa đồng là đôi thốt nốt tình yêu tuyệt đẹp. Khedol còn được gọi là cánh đồng gió, bởi khu vực này được bao bọc giữa dãy núi Bà và núi Heo. Từ hai bên đầu núi, gió thổi vào cánh đồng quanh năm không ngơi nghỉ. Đa phần bà con sống nơi đây là người dân tộc Khmer, họ đã đặt tên cho cánh đồng này là Gió, vì Khedol trong tiếng Khmer có nghĩa là Gió. 

Cặp cây thốt nốt tình yêu nổi tiếng ở Tây Ninh (Ảnh: Hà Thế Bảo)

Nói đến cây thốt nốt tình yêu, người Tây Ninh, không ai không biết vẻ đẹp này. Khoảng đầu năm 2017, nhiếp ảnh gia Hà Thế Bảo (hội viên Hội VHNT Tây Ninh) bắt gặp đôi thốt nốt sừng sững, quyện vào nhau giữa cánh đồng Khedol, và sau đó, những bức ảnh hoàng hôn, bình minh tại đây lần lượt xuất hiện.

Đôi thốt nốt tình yêu trên cánh đồng gió Khedol là điểm check-in lý tưởng của nhiều người.

Nhiều nhiếp ảnh gia khắp mọi miền tổ quốc cũng đến “săn” cho bằng được những khoảnh khắc đẹp của “huyền thoại tình yêu” này. Rồi nơi đây trở thành điểm check-in, chụp ảnh lý tưởng của nhiều bạn trẻ, thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Tây Ninh.

Gần đây nhất, trong giải Baden Moutain Marathon lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh, các runner ở cự ly 21km và 42km đã được trải nghiệm và “chill” trên cung đường này, để ngắm đôi thốt nốt nổi tiếng bên sườn núi Bà Đen.

Cặp cây thốt nốt tình yêu nổi tiếng ở Tây Ninh (Ảnh: Hà Thế Bảo)

Thế nhưng, chỉ sau một đêm mưa giông, một trong hai cây thốt nốt ngã quỵ, bỏ lại một cây cô đơn giữa đồng. Đến sáng 7.5, bà con ở Khedol và ông chủ đất (khu đất ruộng có cặp thốt nốt) cùng nhau dựng lại cây thốt nốt. Phần thân bị tét được người ta bó lại bằng dây thừng, rồi dùng sắt hàn khung chống đỡ, giằng néo cho cây đứng tựa vào cây thốt nốt còn lại. Cư dân Tây Ninh một lần nữa bày tỏ sự cảm kích đối với những người đã nỗ lực hồi sinh cây thốt nốt.

Chỉ sau một đêm mưa giông, một trong hai cây thốt nốt tình yêu đã ngã.

Có thể, cây thốt nốt sau khi phục dựng sẽ không còn đẹp như ban đầu, nhưng giá trị văn hoá của đôi cây được xem là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu sẽ là ký ức đẹp trong mỗi người dân Tây Ninh. Tuy nhiên, sự “hồi sinh” của cây còn tuỳ thuộc vào ý thức của mỗi người khi đến check-in nơi đây. Đừng vì muốn có bức ảnh đẹp mà cố leo trèo lên thân cây, tạo sức nặng cho cặp thốt nốt.

Nỗ lực phục dựng và hồi sinh cây thốt nốt.

Cây thốt nốt sau khi được phục dựng.

Có người nói, mọi vật trên thế gian này đều có sự sống. Cặp đôi thốt nốt này cũng vậy! Cây đã có người hàn gắn, cây sẽ sống, sừng sững đứng giữa cánh đồng gió Khedol bình yên.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục