Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hội thảo hiện trạng và định hướng phát triển ngành Chăn nuôi giai đoạn 2010- 2020: Nhà nước cần làm những việc mà doanh nghiệp không làm được
2009-03-17 07:21:00

Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu đề xuất với UBND tỉnh Tây Ninh: Nhà nước cần làm những việc mà doanh nghiệp không làm được như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi lâu dài từ 10 đến 20 năm tới; quy định về xử lý nguồn nước thải trong chăn nuôi, nên hỗ trợ một phần kinh phí xử lý nước thải để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; quy hoạch khu giết mổ tập trung…

Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu đang phát biểu tại hội thảo

Buổi hội thảo được tổ chức vào ngày 12.3.2009, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân chủ trì. Đến dự có Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cùng các nhà khoa học của Viện; đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh có liên quan và lãnh đạo các huyện, thị xã.

Mở đầu buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân giới thiệu khái quát về tình hình sản xuất và chăn nuôi ở Tây Ninh. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhìn chung chăn nuôi Tây Ninh còn gặp nhiều khó khăn như: Quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu ở nông hộ là chính, lợi nhuận còn thấp; dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là vùng biên giới; về tiêu thụ sản phẩm, giá cả không ổn định, thường bấp bênh gây khó khăn cho nông dân; về khâu chế biến, Tây Ninh chỉ có một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi đó nguyên liệu chế biến thì rất nhiều. Báo cáo tại buổi hội thảo, lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2008, đạt 699 tỷ đồng, chiếm 13,18% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, đàn trâu giảm bình quân trên 10%/năm. Đến cuối năm 2008, đàn trâu của tỉnh còn gần 25.000 con; đàn bò tăng bình quân 2,9%/năm. Tổng đàn bò của tỉnh đến cuối năm 2008 trên 133.000 con. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.400 con bò sữa, trong đó có khoảng 700 con đang cho sữa, với sản lượng 5,5 tấn sữa tươi/ngày. Đàn heo phát triển khá nhanh, giai đoạn 2006-2008 đàn heo tăng bình quân 3,52%, tổng đàn heo năm 2008 là 223.664 con.. Mục tiêu đến năm 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất theo phương thức trang trại, công nghiệp tập trung, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm, đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 18%. Phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn, với năng suất, chất lượng cao; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; phát triển công nghiệp chế biến và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Phương hướng tới ổn định và phát triển đàn trâu với số lượng khoảng 30.000 con, tập trung nuôi ở địa bàn ven sông Vàm Cỏ Đông; giai đoạn 2010 -2020 đàn bò tăng bình quân ở mức 7,48%/năm, đến năm 2020 đàn bò của tỉnh khoảng 268.000 con. Trong đó đàn bò sữa tăng 4,3%/năm, đến năm 2020 đàn bò sữa của tỉnh 4.000 con; tổng đàn heo tăng bình quân 1,89%/ năm…

Đại biểu phát biểu tại buổi hội thảo

Sau khi nghe báo cáo của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến chân tình, thẳng thắn, thiết thực về định hướng và những giải pháp phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh. Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu đề xuất với UBND tỉnh Tây Ninh: Nhà nước cần làm những việc mà doanh nghiệp không làm được như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi lâu dài từ 10 đến 20 năm tới; quy định về xử lý nguồn nước thải trong chăn nuôi, nên hỗ trợ một phần kinh phí xử lý nước thải để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; quy hoạch khu giết mổ tập trung; đầu tư giám sát dịch bệnh để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra dịch bệnh; Nhà nước cần có kinh phí và nhân lực để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra các nguyên liệu chế biến thức ăn; cần ưu tiên đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm chăn nuôi, việc làm này sẽ bình ổn được giá cả, đảm bảo được lợi ích người chăn nuôi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp chân tình của các đại biểu. Sau buổi hội thảo các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã đến huyện Trảng Bàng tham quan thực tế khu quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa và nuôi cá của Trung tâm Giống nông nghiệp Tây Ninh.

D.H

Từ khóa:
Tin liên quan