Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngoài lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, tham dự Hội thảo còn có Đoàn chuyên gia về quy hoạch đô thị sinh thái và môi trường của tổ chức Foundation of the Future (FOF), đại diện Toà thị chính thành phố Kitakyushyu của Nhật Bản, các chuyên gia Cục quản lý và phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và một số giảng viên các trường đại học…
Cuộc hội thảo được tổ chức ngày 11.6.2009 tại hội trường UBND tỉnh. Tham dự có Đoàn chuyên gia về quy hoạch đô thị sinh thái và môi trường của tổ chức Foundation of the Future (FOF), đại diện Toà thị chính thành phố Kitakyushyu của Nhật Bản, các chuyên gia Cục quản lý và phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và một số giảng viên các trường đại học. Về phía tỉnh Tây Ninh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Võ Văn Phuông, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Sử, lãnh đạo các sở, ngành và các huyện thị tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian qua đất nước ta nói chung, Tây Ninh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế- xã hội, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với vấn đề môi trường. Phải làm sao có sự phát triển bền vững- vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn sinh thái môi trường. Tại hội thảo này, lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ lắng nghe, nghiên cứu những luận cứ , giải pháp của các chuyên gia đầu ngành nhằm thực hiện đô thị hoá đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Mở đầu phần tham luận, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thị Hạnh- Phó cục trưởng Cục phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng trình bày về nguy cơ “Biến đổi khí hậu và Chiến lược xây dựng đô thị bền vững”. Trong đó, KTS Hạnh nêu thực trạng các đô thị Việt Nam là tốc độ đô thị hoá nhanh, dân cư tăng, mật độ dân cư tăng, tình trạng bê tông hoá… nhưng ý thức bảo vệ môi trường lại kém, dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cộng thêm công nghiệp phát triển đã góp phần làm nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên, dẫn đến sự biến đổi khí hậu. Từ đó, ý tưởng xây dựng đô thị sinh thái (ĐTST) là tuyệt vời bởi nó mang lại cho con người chất lượng sống cao hơn và bền vững hơn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu từng bước cung cấp cho các khu đô thị cơ sở hạ tầng hiện đại, thích hợp và môi trường trong lành. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này là không hề đơn giản.
KTS Philip Conn thuộc tổ chức FOF tiếp tục trình bày về đề tài “Nguy cơ sinh thái- biến đổi khí hậu và các giải pháp”, cho rằng thách thức môi trường lớn nhất hiện nay mà thế giới phải đương đầu là thay đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ, thay đổi thời tiết, hậu quả là mực nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt hơn… Những tác động này đã thực sự xảy ra ở Việt Nam do bão nhiệt đới xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn và thường đi kèm với những trận lụt lội. Thay đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống sinh thái. Ở Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, mực nước biển đã dâng cao 5 cm và dự báo sẽ tăng lên khoảng 9 cm vào năm 2010- ngay cả khi không có hạt mưa nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm thay đổi sự thay đổi khí hậu và một trong những việc quan trọng góp phần vào sự bền vững là xây dựng những ĐTST. KTS Philip Conn đã đưa ra các khái niệm về quy hoạch thành phố sinh thái, đồng thời giới thiệu một số cảnh quan ở một số thành phố trên thế giới đã hoặc đang xây dựng theo định hướng ĐTST.
Tiếp tục tham luận, KTS Monty Tejam của tổ chức FOF trình bày đề tài “Tầm nhìn thành phố sinh thái” cho rằng tính bền vững của khu ĐTST không phải là kỹ thuật cao mà là sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng. Một thành phố bền vững là một thành phố được thiết kế, quy hoạch và xây dựng có tính tác động của môi trường, nơi đó người dân có ý thức giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, nước và thực phẩm, cũng như giảm thiểu chất thải từ nhiệt và ô nhiễm không khí do khí thải. Trong khu ĐTST cần duy trì đồng ruộng sản xuất nông nghiệp, duy trì những nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng cơ giới… Những yêu cầu cơ bản của thành phố sinh thái là: an toàn về mặt sinh thái, vệ sinh sinh thái, phát triển các ngành nghề sinh thái và có sư hoà hợp về mỹ quan sinh thái.
Ông Kitajma Atsumu- Chánh Văn phòng Toà thị chính thành phố Kitakyushyu tham gia hội thảo qua việc giới thiệu thành phố Kitakyushyu ở Nhật Bản và kinh nghiệm xây dựng thành phố này trở thành khu ĐTST. Theo ông Kitajma Atsumu, trước năm 1970, thành phố Kitakyushyu bị ô nhiễm khá năng nề do chất thải công nghiệp, sinh hoạt không được xử lý đúng mức. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, chuyển thành phố thành khu ĐTST- chỉ trên diện tích khoảng 170 ha mà địa phương phải đầu tư hơn 8 tỷ USD đồng thời phải khắc phục qua thời gian dài đến 20 năm. Kinh nghiệm trước tiên mà ông Kitajma Atsumu muốn phổ biến là “Tây Ninh chưa bị tổn hại môi trường nhiều, hãy cố gắng giữ cho môi trường trong
KTS Philip Conn trình bày tham luận tại hội thảo |
sạch, bởi vì khi đã ô nhiễm nghiêm trọng thì chi phí và thời gian xử lý để môi trường trở lại như ban đầu sẽ hao tốn rất nhiều”. Đồng thời ông cũng khẳng định rằng “Muốn có nhiều khách đến địa phương mình thì phải làm thế nào tạo được ấn tượng và một trong những đặc điểm tạo ấn tượng mạnh nhất là môi trường được bảo đảm”.
Tham luận cuối cùng được trình bày trong hội thảo là đề tài “Viễn cảnh ĐTST tại Việt Nam và tỉnh Tây Ninh” của KTS Lý Khánh Tâm Thảo thuộc Phòng Quy hoạch kiến trúc TP.HCM. Khởi đầu phần trình bày KTS Tâm Thảo nêu bài toán mà các đô thị ở Việt Nam đang phải đặt ra- đó là các vấn đề về ngập lụt, tắt nghẽn giao thông, ô nhiễm khí, nước, rác thải… Lời giải chung cho bài toán đặt ra là phải xây dựng ĐTST. Các yếu tố để có được ĐTST là: giữ gìn và phát huy các yếu tố thiên nhiên; tính đa dạng và tính cộng đồng cao; xây dựng ít chiếm đất nhất; có khoảng cách di chuyển ngắn; sử dụng hiệu quả năng lượng; hạn chế chất thải; bảo vệ tài nguyên nước; xây dựng những công trình thân thiện… Sau những tham luận, các chuyên gia tiếp tục toạ đàm và trả lời các câu hỏi chung quanh vấn đề xây dựng khu ĐTST. Nhiều ý kiến đề ra rất thiết thực và được các chuyên gia nhiệt tình giải thích, trả lời.
Hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” đã giúp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo các sở ngành và các huyện, thị hiểu nhiều hơn về mục tiêu, lộ trình và những kinh nghiệm trong việc xây dựng khu ĐTST để định hướng quy hoạch và thiết kế các khu đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh sao cho có tính bền vững cao nhất- vừa bảo đảm phát triển hài hoà giữa hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hoá- xã hội và hạ tầng sinh thái.
SƠN TRẦN