Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp
Thứ năm: 08:37 ngày 29/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 28.8, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức “Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp”.

Ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong khi mức sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư.

Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ luỵ như thiếu hụt lực lượng lao động, già hoá dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số ảnh hưởng đến sự phát triển dân số bền vững. Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.

Tuy nhiên, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Hiện nay, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng.

Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam.

Mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7- 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023).

Hội thảo được tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp - trực tuyến và diễn ra trong 2 phiên với 9 báo cáo tham luận. Qua các báo cáo tham luận của chuyên gia quốc tế và Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận về cơ hội, thách thức và các giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp tại Việt Nam.

Giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được tổ chức trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu các đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.

Các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế về lĩnh vực y tế - dân số chụp ảnh ghi nhớ tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, đó là “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển” và đề nghị thực hiện một số nội dung như sau:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở Y tế, cơ quan dân số các cấp nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và đặc biệt là Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp; do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này.

Đề nghị Cục Dân số tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các ý kiến của các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo làm cơ sở để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trong xây dựng dự thảo Luật Dân số và Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội.

Trước xu hướng biến động mức sinh hiện nay, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.

Thanh Hạnh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục