Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang cho biết, Tây Ninh có diện tích trồng mì đứng thứ hai toàn quốc nhưng dẫn đầu về sản lượng. Năm 2014, toàn tỉnh có gần 50.500 ha mì, với tổng sản lượng trên 1,6 triệu tấn. Năng suất bình quân những năm gần đây tăng cao. Năm 2005, năng suất bình quân đạt khoảng 24,7 tấn/ha. Đến năm 2014, năng suất bình quân đạt 31,6 tấn/ha.

|
Hội thảo diễn ra ngày 15.1.2015 tại Tây Ninh, có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, khách mời là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hiệp hội Sắn Việt Nam…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, cây mì (còn gọi là sắn) có giá trị kinh tế cao trong nước cũng như xuất khẩu, là một trong những cây trồng chiến lược ở nhiều địa phương trong nước. Ngành chế biến, xuất khẩu tinh bột mì và các sản phẩm từ tinh bột mì, sau tinh bột mì có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, mang về lượng ngoại tệ khá lớn. Tây Ninh được xem là thủ phủ của cây mì Việt Nam. Cả nước có hơn 100 nhà máy chế biến thì Tây Ninh có hơn 70 nhà máy. Với điều kiện hiện tại và những lợi thế, tiềm năng có sẵn, nếu được đầu tư đúng hướng, đúng mức, cây mì sẽ còn mang lại giá trị đáng kể cho địa phương.
Theo một trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp trong nước, ở Việt Nam, mì, lúa và bắp là 3 cây trồng chiến lược được ưu tiên nghiên cứu phát triển trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT. Năm 2013, diện tích trồng mì cả nước đạt trên 544 ngàn ha, năng suất củ mì tươi bình quân đạt gần 18 tấn/ha, sản lượng đạt 9,74 triệu tấn.
So với năm 2000, sản lượng củ mì Việt Nam đã tăng gấp 3,93 lần, năng suất tăng lên hai lần. Tuy nhiên, so với một số nước Đông Nam Á như Lào, Indonesia, Thái Lan thì năng suất củ mì ở Việt Nam còn thấp hơn khá nhiều. Nguyên nhân khiến năng suất củ mì ở Việt Nam thấp chủ yếu do trồng trên đất thoái hoá, bạc màu, đất cát nhưng mức đầu tư thấp. Mặt khác, nhiều giống mì ở Việt Nam hiện đã thoái hoá, nhiễm bệnh nhưng chưa được thay thế giống mới kịp thời.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia đóng góp nhiều tham luận quan trọng có liên quan đến lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu mì và bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Đó là các nội dung đánh giá tổng quan về ngành mì Việt Nam, thực trạng, triển vọng và những giải pháp phát triển bền vững; thực trạng, giải pháp bảo đảm phát triển ổn định trong 3 lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ tại tỉnh Tây Ninh; phương pháp, quy trình xử lý nước thải trong chế biến bột mì; làm thế nào để phát triển công nghệ chế biến và nâng cao giá trị gia tăng của cây mì; xây dựng mối liên kết giữa nhà máy chế biến với nông dân trồng mì; bàn về các giống mì năng suất cao; những bất cập trong giao thương bột mì giữa doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang cho biết, Tây Ninh có diện tích trồng mì đứng thứ hai toàn quốc nhưng dẫn đầu về sản lượng. Năm 2014, toàn tỉnh có gần 50.500 ha mì, với tổng sản lượng trên 1,6 triệu tấn. Năng suất bình quân những năm gần đây tăng cao.
Năm 2005, năng suất bình quân đạt khoảng 24,7 tấn/ha. Đến năm 2014, năng suất bình quân đạt 31,6 tấn/ha. Hiện Tây Ninh có 72 nhà máy chế biến bột mì với tổng công suất thiết kế 5.391 tấn bột/ngày. Tỉnh cũng có 1 nhà máy chế biến tinh bột cao cấp từ bột mì ướt với công suất 30.000 tấn bột/năm.
Năm 2014, Tây Ninh có 5 nhà máy đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống chế biến tinh bột biến tính (sau tinh bột mì). Trong tương lai, ngành mì ở Tây Ninh còn có khả năng phát triển lớn. Do đó, việc tổ chức hội thảo lần này là một cơ hội tốt đối với nông dân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến tinh bột mì nhằm phát triển bền vững cây mì ở Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
ĐÌNH CHUNG