Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội thảo quốc tế về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế
Thứ hai: 09:53 ngày 30/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trước 500 đại biểu quốc tế, Trung ương và địa phương, 60 cơ quan báo chí trong cuộc hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã thể hiện quyết tâm phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh, mong muốn Tây Ninh sẽ là vựa rau, vựa trái cây chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn ra thế giới.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội thảo.

Tây Ninh, viết tắt là “TN”, cũng là viết tắt của hai chữ “TIỀM NĂNG”, đó là đất đai thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp, là nguồn nước ngày càng quý giá của hồ Dầu Tiếng, của vị trí địa lý gần các trung tâm phát triển kinh tế của cả vùng… và có cả tiềm năng tinh thần lớn lao là truyền thống anh hùng, không chịu khuất phục của nhiều thế hệ người Tây Ninh đi trước.

Tây Ninh, viết tắt là “TN”, cũng là viết tắt của “TRÁCH NHIỆM”, đó là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền vào sự phát triển của tỉnh nhà, hay nói đúng hơn là trách nhiệm trước sự tụt hậu ngày càng xa hơn với nhiều địa phương trong khu vực. Ở một góc độ khác, đó cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong ứng xử với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các hợp tác xã và bà con nông dân tham gia vào chuỗi giá trị này.

Tây Ninh, viết tắt là “TN”, cũng có nghĩa là “TÌNH NGHĨA”, bởi lẽ, suy cho cùng, cuộc sống của chúng ta, dù no đủ đến đâu sẽ không là hạnh phúc, nếu không có nghĩa, có tình. Ước ao của chúng tôi là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, mọi du khách khi đến Tây Ninh đều cảm thấy đâu đó, trên mảnh đất này, hơi ấm của tình người, của sự thân thiện, gắn bó…

Với lý lẽ đó, Tây Ninh mong muốn mọi người, bằng cách này hay cách khác cùng tham gia vào chuỗi giá trị “Vì một Tây Ninh phát triển bền vững và ấm áp nghĩa tình”.

Tương lai thường không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Tương lai tươi sáng chỉ có được từ tầm nhìn, từ khát vọng và từ sự chung sức của tất cả mọi người. Không biết có chủ quan và không được khiêm tốn hay không, nhưng những người tổ chức chương trình chúng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào tương lai xán lạn đó, đang được bắt đầu hình thành từ những ý tưởng trong hội thảo này.

BÍ THƯ TỈNH UỶ TRẦN LƯU QUANG

Ông Bùi Công Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT (bìa phải hàng đầu) cùng ông Lê Thành - Viện trưởng Viện KTNNHC (bìa trái), ông Raj Sharma- Công ty Sunrise Orchards (Hoa Kỳ) ký kết biên bản ghi nhớ việc đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh và xúc tiến đầu tư thương mại tại Hoa Kỳ. Ảnh: Thuý Hằng

NHẬN DIỆN VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

Tây Ninh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi mà ít nơi nào có được. Là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ- vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Bình Phước và Vương quốc Campuchia. Tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên (gần 270.000 ha); địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng theo nhu cầu thị trường; là địa phương có hệ thống thuỷ lợi khá đồng bộ với công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng quy mô lớn nhất nước, có khả năng tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha cây trồng.

Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế của tỉnh. Với thế mạnh phát triển ngành trồng trọt, quy mô diện tích và sản lượng các cây trồng chính của tỉnh có thể xếp vào danh sách các sản phẩm chủ lực của cả nước và khu vực Đông Nam bộ như cây khoai mì, mía, cao su, lúa; rau quả các loại; mãng cầu và một số cây ăn trái tiềm năng như chuối, xoài, bưởi, thơm.v.v…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến trao chủ trương đầu tư cho đại diện Công ty DIK Nhật Bản. Ảnh: Thuý Hằng

Tuy nhiên, phần lớn các nông sản phẩm của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Đây chính là những nguyên nhân làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Tại hội thảo ngày 6.1, tỉnh Tây Ninh đã ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (KTNNHC), Vietinbank và Công ty kiểm toán EY; ký kết thoả thuận hợp tác (MOU) xúc tiến đầu tư chuỗi giá trị với Sunrise Orchards (Mỹ) và Viện KTNNHC; ký kết hợp tác xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu hội nhập thị trường quốc tế: Sunrise Orchards - Viện KTNNHC - Công ty DIK - Công ty Chamjoen Youtong; chứng kiến ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư cho chợ đầu mối nông sản và ký kết cam kết đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đã trao giấy chủ trương đầu tư Trường Đào tạo nông dân cho Công ty DIK Daiky - Nhật Bản; quyết định chủ trương tài trợ tín dụng của Vietinbank cho Lavifood.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là đối với thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hoá không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Trước yêu cầu cấp thiết phải đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững, vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng là phải tiến tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng đại diện nông dân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế thực hiện nghi thức kết nối. Ảnh: Thuý Hằng

CHUẨN BỊ SẴN SÀNG ĐỂ CẤT CÁNH

Từ tiềm năng to lớn, có thể nói đó chính là lợi thế so sánh của tỉnh nhà, Tây Ninh xác định nông nghiệp là một trong những trọng tâm phát triển trong thời gian tới, nhất là việc xây dựng chuỗi giá trị nông phẩm. Tỉnh uỷ đã nhanh chóng ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đồng thời thực hiện hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp. Cuộc hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” tổ chức rất thành công vào ngày 6.1.2017 là kết quả của hơn 7 tháng tích cực tổ chức các hoạt động hướng đến việc xây dựng nền nông nghiệp cao.

Còn nhớ, tại cuộc hội thảo quốc tế “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – xu hướng phát triển và liên kết sản xuất” ngày 12.5.2016 do Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) tài trợ và phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức, đây là một hội thảo lớn quy tụ nhiều nhà khoa học, các tổ chức, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để đánh giá tiềm năng và kết nối thị trường cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là nông sản hữu cơ; Tây Ninh là tỉnh duy nhất đăng ký tham gia phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và chủ động tái cấu trúc nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị định hướng thị trường quốc tế và nội địa.

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt. Ảnh: Thanh Nhi

Ngày 4.6.2016, Tây Ninh vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác bao gồm Uỷ viên Bộ Chính trị- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng- Chánh văn phòng TW Đảng Nguyễn Văn Nên, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và lãnh đạo các Ban Đảng, bộ, ngành Trung ương. Tại chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghiệp cao theo chuỗi giá trị trên thị trường có định hướng của tỉnh Tây Ninh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã giao Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cùng các với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển chương trình tái cấu trúc nông nghiệp của tỉnh.

Tiếp đến, liên tục từ tháng 6.2016 đến tháng 1.2017, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước; tổ chức các chuyến đi học tập kinh nghiệm kết hợp xúc tiến đầu tư, tìm thị trường cho nông sản Tây Ninh tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc; gặp gỡ làm việc với các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…

Tây Ninh tăng cường thu hút đầu tư nông nghiệp. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân ký kết thoả thuận hợp tác với thành phố Gimhae (Hàn Quốc). Ảnh: Minh Long

MỘT HỘI THẢO “GIÀU ƯỚC MƠ, GIÀU HOÀI BÃO”

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Hoàng Dũng- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam tại cuộc hội thảo quốc tế ngày 6.1.2017. Tại hội thảo, UV Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhận định: “Với kết quả, mục tiêu các bên đưa ra, và các nhà đầu tư lớn của trong, ngoài nước đã và đang cam kết thực hiện các khâu trong chuỗi giá trị phát triển của nông nghiệp, sau 5 năm triển khai mô hình, phát triển chuỗi giá trị hội nhập thị trường quốc tế thì GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn USD/năm lên 5.000 USD/năm là hiện thực, việc Tây Ninh đăng ký trở thành nơi làm điểm mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững này là hoàn toàn có cơ sở”. Đồng thời, ông nhắn nhủ: “Cả nước chung tay cùng với Tây Ninh phát triển mô hình điểm không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa cử tri ân đối với Tây Ninh mà còn vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp cả nước”. Trước 500 đại biểu quốc tế, Trung ương và địa phương, 60 cơ quan báo chí trong cuộc hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã thể hiện quyết tâm phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh, mong muốn Tây Ninh sẽ là vựa rau, vựa trái cây chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn ra thế giới. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong tương lai gần.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết, tỉnh đã đặt ra 4 nhiệm vụ và định hướng phát triển:

Một là, đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hai là, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ba là, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh. Bốn là, nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Đoàn tham quan nông trường Organik Đà Lạt, một mô hình trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Nhi

Con đường phía trước còn rất dài và đầy chông gai, nhưng như Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang đã nói: “Với khát khao, mong muốn làm được điều gì đó để từng bước cải thiện đời sống của 78% bà con Tây Ninh đang sống ở khu vực nông thôn, để bà con có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình, đồng thời góp phần tạo nên sự phát triển của Tây Ninh, thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương khác trong khu vực”, và với sự đồng thuận, đồng lòng của toàn tỉnh đảng bộ, cùng với sự ủng hộ của nhân dân Tây Ninh, nông nghiệp Tây Ninh nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ từng bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn ra biển lớn, đúng với tiềm năng, vị thế vốn có.

Thanh Nam

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục