BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo về các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với những biến động kinh tế

Cập nhật ngày: 10/07/2011 - 10:26

Hội thảo được tổ chức ngày 10.7.2011, do UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng tập đoàn giáo dục quốc tế FCI tổ chức, nhằm giúp các doanh nhân, doanh nghiệp ở Tây Ninh chia sẻ những khó khăn, trao đổi những kinh nghiệm và trang bị thêm các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức trước những biến động khó lường của nền kinh tế trong nước và trên thế giới. Hội thảo này cũng nhằm cung cấp thêm thông tin để lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp đề ra được các giải pháp thích hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) và bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) trình bày một số nội dung về tác động kinh tế vĩ mô và giải pháp ứng phó của doanh nghiệp. Ông Trần Tô Tử (chuyên gia kinh tế) trình bày về kinh nghiệm và giải pháp quản trị điều hành hoạt động kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế bất ổn.

Công nghệ chế biến mủ cao su của DN Việt Nam còn hạn chế.

Theo T.S Lê Đăng Doanh, trong năm 2011, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng lạm phát, biến động tỷ giá, lãi suất cao, khan hiếm nguồn vốn, biến động thị trường - nhu cầu là những thách thức lớn của doanh nghiệp (DN). Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều giảm sút. Đồng thời, chính sách thay đổi nhanh, rất khó dự báo hiện nay cũng là một khó khăn mà DN đang lo ngại. Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm nay giảm sút gần 8% so với cùng kỳ năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn năm trước. Vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện được trong 6 tháng cũng giảm. Tốc độ lạm phát giảm nhưng vẫn còn cao.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chỉ có 60% DN Việt Nam đăng ký hợp pháp thực sự  đang hoạt động (khoảng từ 360.000 đến 370.000 DN trong số 580.000 DN trong cả nước). Cũng theo VCCI, trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước, kéo theo số dự án đầu tư dài hạn phải “dừng lại” tăng.

Một trong các giải pháp mà nhiều DN, trong đó có các DN lớn hiện đã và đang áp dụng khá hiệu quả nhằm ứng phó trước những biến động kinh tế phức tạp thời gian gần đây là đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn. Có thể nói, chưa lúc nào mà các DN “cần nông thôn” như thời gian gần đây. Tập trung quyết liệt để giữ và phát triển thị trường nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng của DN. Một giải pháp khác là DN nỗ lực kết nối với tiểu thương, đại lý, DN liên kết với nhau để chia sẻ chi phí, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, việc tổ chức hợp lý bộ máy sản xuất, tung ra sản phẩm mới, tăng giá trị cộng thêm của dịch vụ kèm theo sản phẩm… cũng là những giải pháp DN cần quan tâm.

Bán mủ cao su như... cà rem

Về các hạn chế mà DN Việt Nam đang mắc phải, các chuyên gia nêu một thí dụ “đau lòng” về mủ cao su ở Việt Nam với cụm từ “mua bán vàng trắng như… cà rem”. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 782.000 tấn mủ cao su ra nước ngoài, thu về 2,3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu mủ của Việt Nam. Cũng trong năm 2010, Việt Nam nhập các sản phẩm từ mủ cao su trị giá 309 triệu USD (nhập từ Trung Quốc chiếm 25%). Nước ngoài mua mủ cao su từ Việt Nam để chế biến thành một số sản phẩm “đơn giản” như đế giày dép, thiết bị y tế, vỏ ruột xe rồi xuất sang Việt Nam. Trong khi đó, các DN Việt Nam chỉ biết sơ chế mủ thô, bán cho DN thương mại mang ra… biên giới giáp Trung Quốc chào bán mà không cần các thủ tục rườm rà. Cụ thể, chỉ cần DN điện thoại trao đổi, xem hàng, ngã giá và thoả thuận là xong. Lợi ích trước mắt của việc mua bán đơn giản này là tiêu thụ được khối lượng lớn mủ, không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, không cần thủ tục xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, giao dịch thương mại như kiểu này có nguy cơ triệt tiêu động lực phát triển kỹ nghệ chế biến cao su trong nước. Chính việc xuất khẩu thô này đã làm cho nhiều DN chịu thiệt thòi, DN và người sản xuất thường rơi vào cảnh bấp bênh, lệ thuộc vào thị trường có nhiều nguy cơ, bất lợi.

Các chuyên gia về kinh tế nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đang có những biến động và sẽ có sự “sắp xếp lại”. Những tồn tại, hạn chế sẽ được khắc phục; những yếu tố mới, lành mạnh, hợp lý và tiến bộ sẽ phát triển. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp nhạy bén, thực sự “mạnh” mới đủ sức “vượt vũ môn” trong quá trình hội nhập và phát triển.

BẢO TÂM